Một số lượng quần áo từ thiện cực lớn đă được quyên góp tại Trung Quốc. Nhưng số quần áo này không bao giờ đến được tay những người nghèo. Có kẻ đă lợi dụng để xuất khẩu những bộ quần áo từ thiện để kiếm lời.
Một điểm gom quần áo cũ tại Trung Quốc
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đă đưa tin về đoạn video phanh phui vụ việc của đài truyền hình thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đang được lan truyền.
Nó lập tức gây bức xúc lớn bởi ý tưởng quyên góp quần áo từ thiện thời gian qua được hưởng ứng mạnh mẽ bằng thông điệp giúp đỡ người nghèo và bảo vệ môi trường.
Trong đoạn video, các phóng viên địa phương đã theo đuôi xe tải thu gom quần áo từ các thùng tái chế được đặt trên đường phố và trong nhiều cộng đồng địa phương về đến nhà kho ở một tỉnh của Thanh Đảo. Nhân viên ở đây cho biết quần áo sẽ được giặt sạch, tiệt trùng để chuyển đi một nơi khác.
Nhưng hóa ra “nơi khác” không phải là các nơi làm từ thiện mà là một nhà máy ở địa phương để chuẩn bị đem quần áo đem bán!
Chẳng hạn các dây kéo được tách ra để bán với giá 20 nhân dân tệ (khoảng 3 USD) mỗi kg và 20.500 NDT (hơn 3.000 USD) mỗi tấn. Số quần áo còn tốt được chọn lọc ra để xuất đi... châu Phi, theo tiết lộ của một nhân viên tại đây.
Những gì được tiết lộ làm nổ ra những tranh cãi không chỉ ở Thanh Đảo mà khắp Trung Quốc khi nhiều người chỉ trích việc kiếm lời trên việc từ thiện. Những người khác kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn việc lắp đặt các thùng tái chế và những đơn vị tham gia vào chiến dịch này.
“Việc tái chế là tốt nhưng chỉ khi quần áo cũ được trao cho những ai thực sự cần, chẳng hạn người dân ở những vùng nghèo” - tờ China Daily dẫn lời một người dân.
Chiến dịch vận động quyên góp quần áo được chính quyền Thanh Đảo phát động từ năm 2015 với ý tưởng quần áo thu được sẽ được giặt giũ sạch sẽ và chuyển đến các cơ sở từ thiện. Theo truyền thông, các thùng quên góp lúc nào cũng đầy ắp.
Thị trường béo bở
Trung Quốc từ lâu đã cho phép xuất quần áo cũ ra nước ngoài để làm từ thiện hoặc tái sử dụng. Nhưng việc xuất khẩu, đặc biệt là đến châu Phi, bắt đầu nở rộ từ năm 2008.
“Thị trường ở châu Phi rất lớn và một số doanh nghiệp phải thu mua quần áo cũ từ cá nhân hoặc các nhà máy. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người đặt các thùng tái chế để thu quần áo cũ. Các doanh nghiệp ở Quảng Đông có thể bán các quần áo mùa hè với giá 5.500 NDT (khoảng 820 USD) mỗi tấn” - ông Fang Xiaodong, chủ trang usedclothingtrade.co m, tiết lộ với tờ Thời báo Hoàn cầu.
Theo các số liệu, hàng năm có 26 triệu tấn quần áo cũ được bỏ vào các thùng tái chế ở Trung Quốc nhưng chỉ có 1% được tái sử dụng.
Một nhà quản lý bất động sản ở thành phố Tây An cho biết việc lắp đặt các thùng tái chế ở Trung Quốc cũng rất dễ khi chỉ cần trình giấy phép kinh doanh và ký một hợp đồng với cơ quan quản lý địa phương. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ không còn can thiệp vào việc quản lý các thùng tái chế này.
Theo ông Fang, chính quyền nên siết chặt các quy định giám sát việc lắp đặt các thùng tái chế và phát chứng chỉ cho các doanh nghiệp được phép thu gom và tái sử dụng quần áo cũ.