Mọi kẻ thù phải hết vía với vũ khí mới của Mỹ. Đối phương không kịp trở tay vì vũ khí mới của Mỹ vô hình, không phát ra âm thanh cuộc tấn công chết chóc diễn ra trong thầm lặng. Nó như thế nào mà ghê gớm đến vậy?
LaWS, viết tắt của cụm từ Laser Weapon System (hệ thống vũ khí laser), không còn là điều viễn tưởng và không phải là mẫu thử nghiệm. Vũ khí tối tân này đã được triển khai trên tàu đổ bộ trực thăng USS Ponce, sẵn sàng bắn vào các mục tiêu mỗi ngày bởi thuyền trưởng Christopher Wells và thủy thủ đoàn.
Lợi thế đầu tiên của vũ khí laser là tốc độ mà không có loại vũ khí nào có thể so sánh. Nó di chuyển với tốc độ ánh sáng, nhanh gấp 50.000 lần vận tốc của tên lửa đạn đạo liên lục địa, vũ khí có tốc độ tấn công nhanh nhất hiện nay.
Với sức mạnh trên, quân đội Mỹ đã tiến hành tích hợp vũ khí laser vào hàng loạt các loại tàu, xe bọc thép, máy bay không người lái.
Vũ khí 'vô hình' của Mỹ có sức mạnh phá hủy mọi vật trong 'nháy mắt' . Ảnh minh họa
Theo một thử nghiệm vũ khí laser trên tàu hải quân USS Ponce, đoàn thủy thủ đoàn tàu Ponce đã phóng lên không trung một máy bay không người lái tương trưng cho mục tiêu. Ê kíp vận hành vũ khí laser LaWS bắn hạ máy bay mục tiêu chỉ trong tíc tắc. Vũ khí laser LaWS chiếu luồng sáng nóng hàng nghìn độ C làm hỏng máy bay và khiến nó rơi xuống biển. Cuộc tấn công diễn ra trong im lặng và vô hình.
Hay mới đây, quân đội Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tích hợp vũ khí laser vào xe bọc thép Stryker. Đây là loại xe bọc thép 8 bánh, rất cơ động và có khả năng sống sót cao trên chiến trường. Xe bọc thép này có thể đạt tốc độ tối đa 105 km/h, được trang bị súng máy và súng phóng lựu.
Loại vũ khí laser được thử nghiệm là MEHEL 2.0, một phiên bản nâng cấp của thiết bị gốc công suất 2kW. Biến thể mới của loại vũ khí laser này sẽ có công suất 5kW. Theo kết quả thử nghiệm, xe bọc thép Stryker được trang bị vũ khí laser thử nghiệm khả năng phòng thủ chống lại một hay nhiều hệ thống máy bay không người lái.
Ông Adam Aberle, người phụ trách cuộc thử nghiệm đánh giá cao loại vũ khí laser này trong việc ngăn chặn các mối đe dọa của UAV, đồng thời cho biết cuộc thử nghiệm cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế khi nâng cấp công suất của MEHEL từ 2kW lên 5kW. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khắc phục những thiếu sót này", ông Aberler nói.
Trước đó, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công tiêu diệt mục tiêu không người lái với vũ khí laser được trang bị cho trực thăng chiến đấu Apache AH-64. Theo công ty quốc phòng Raytheon, đơn vị sản xuất thiết bị, đây là lần đầu tiên một hệ thống laser công suất lớn tích hợp thành công vào một trực thăng và có thể bắn hạ mục tiêu đang di chuyển ở tốc độ cao.
Với công nghệ mới, vũ khí laser đã phá hủy thành công một số mục tiêu trong phạm vi 1,4km. Vũ khí laser có độ chính xác cao và khả năng "giấu mình" trước đối thủ. Khác với đạn và pháo bay theo hình vòng cung, vũ khí laser tấn công theo đường thẳng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết, với tốc độ nghiên cứu phát triển vũ khí laser như hiện nay thì việc trang bị cho thiết bị bay không người lái (UAV) chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, UAV có thể phục vụ 2 mục tiêu cực kỳ quan trọng cho quân đội Mỹ là đánh chặn tên lửa và tấn công chính xác tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao.
Defense One dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) James Syring cho biết cơ quan này đang lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ chế tạo thành công UAV tầm xa, hoạt động từ độ cao 20.000 m trở lên và có thể dùng LaWS bắn hạ tên lửa đạn đạo ngay từ giai đoạn phóng. Độ cao này không gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và giúp UAV duy trì hoạt động hiệu quả bất chấp thời tiết xấu.
Bên cạnh đó, ưu điểm nhắm chính xác vào mục tiêu mà không gây nổ diện rộng của vũ khí laser còn có thể áp dụng cho các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu đặc biệt lẩn trốn ở những khu dân cư đông đúc để tránh gây thương vong cho dân thường.