Vietbf.com - Trung Quốc luôn cay đắng với ông Chris Patten, là thống đốc Anh cuối cùng ở Hong Kong, vì ông đã làm một điều cho Hong Kong, khiến Bắc Kinh phải gọi ông Chris Patten là "tội đồ nghìn năm" trong thời gian cai quản Hong Kong đã để lại một "ly rượu độc dân chủ" trước khi trao trả lại cho Trung Quốc.
Thời điểm Chris Patten, thống đốc cuối cùng của thuộc địa Hong Kong thuộc Anh, bước lên chiếc tàu Britania và vẫy chào người dân ngày 1/7/1997 được coi là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đánh dấu việc Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung – Anh, theo Guardian.
20 năm sau, Patten vẫn nhớ rõ khoảnh khắc đó, cùng những năm tháng cai quản vùng đất Hong Kong trước khi nó trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, nơi ông đã bị các quan chức Bắc Kinh gọi là "tội đồ nghìn năm".
Patten năm 1992 đến Hong Kong nhậm chức thống đốc cuối cùng của thuộc địa này, 8 năm sau khi London ký tuyên bố chung với Bắc Kinh, đồng ý trao trả Hong Kong vào năm 1997. Hai nước đã trải qua nhiều cuộc đàm phán bí mật trước khi đi đến thỏa thuận này, trong đó Hong Kong được phép duy trì quyền tự trị cao trong 50 năm, trong khi Trung Quốc áp dụng mô hình "một đất nước, hai chế độ".
Trong 5 năm cai quản Hong Kong, Patten lấy tên theo tiếng Hoa là Bành Định Khang, còn người dân thuộc địa này vẫn gọi thống đốc này một cách thân mật là "ông Bành Béo". Patten cho biết ông rất mê món bánh trứng ở vùng đất này và gọi những thời gian ở Hong Kong là "năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời".
Patten và các học sinh ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Patten đã sớm bắt tay vào việc cải cách hệ thống bầu cử ở Hong Kong, nhằm giúp người dân ở đây có thêm cơ hội để trực tiếp bầu ra các nghị sĩ đại diện cho họ trong 9 thể chế mới. Trong cuộc bầu cử nghị viện Hong Kong năm 1995, ông đã cho phép cử tri bầu trực tiếp nhiều nghị sĩ hơn để đại diện cho tiếng nói của mình.
Nhưng với các quan chức ở Bắc Kinh, hành động của Patten bị coi là một "ly rượu độc dân chủ" trong bối cảnh Hong Kong sắp được trao trả lại cho Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ trích những quyết định này của Patten, cho rằng ông đang gây khó dễ cho quá trình chuyển giao.
Lỗ Bình, chủ nhiệm ủy ban các vấn đề Hong Kong và Macau của Quốc vụ viện Trung Quốc, lúc đó đã gọi Patten là "tội đồ nghìn năm" vì đã vi phạm các thỏa thuận Trung – Anh và cản trở quá trình chuyển giao Hong Kong một cách thuận lợi. "Họ còn gọi tôi bằng nhiều cái tên khác như ‘gái điếm’ hay ‘vũ công tango’", Patten nhớ lại.
"Tôi đã làm chính trị nhiều năm nên gần như miễn dịch với những lời chỉ trích. Tôi không quan tâm đến những lời phê phán đó", ông nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những cải cách trong bầu cử ở Hong Kong của mình là "vô cùng hạn chế". "Lúc đó tôi không phải là Tom Paine hay Georges Danton", ông cho biết, nhắc tới những nhà cách mạng nổi tiếng ở phương Tây.
Trả lời phỏng vấn Telegraph trước dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, Patten cho biết ông vẫn còn cảm thấy hối tiếc về cách thức Anh chuyển giao thuộc địa này cho Trung Quốc. "Chúng tôi đã làm không thực sự tốt. Tôi cho rằng sau khi Tuyên bố chung được ký, chúng tôi cần chủ động hơn trong việc thúc đẩy dân chủ hoặc đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa ở Hong Kong".
Trở về nước sau khi nhận lá cờ Anh được hạ xuống trong lễ trao trả Hong Kong, Patten đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Đối ngoại Liên minh châu Âu từ năm 1999 đến 2004 và tiếp tục xử lý nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Patten nhận lá cờ Anh được hạ xuống tại dinh thống đốc năm 1997. Ảnh: SCMP.
Nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền, ông cho biết: "Khi chúng tôi bắt tay, ông Đường nói với tôi 'Lần này, Bành Định Khang, chúng ta phải hợp tác'. Tôi trả lời rằng đó chính là những gì tôi muốn làm lần trước, thế là ông ấy cười to".
Các lãnh đạo Trung Quốc sau này không ai nhắc đến thời gian ông làm thống đốc Hong Kong nữa. "Như thể nó là một sai sót nhỏ trong quá khứ của tôi", ông nói. "Tôi cho rằng họ nhanh chóng nhận ra rằng những gì tôi đã làm ở Hong Kong không biến tôi thành kẻ bài Trung Quốc. Tôi không hề là một người như vậy".
Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã vô cùng nhã nhặn khi gặp Patten. Cựu thống đốc Hong Kong này tặng ông Giang bộ sưu tập các tác phẩm của William Shakespeare và nói rằng ông rất thích các tác phẩm lịch sử này vì Shakespeare hiểu rất rõ tầm quan trọng của ổn định chính trị. "Ông Giang cười rất to, ông ấy đã hiểu ý tôi", Patten kể.
Cuối buổi gặp, trợ lý riêng của ông Giang tới gặp Patten và đề nghị ông ký vào cuốn hồi ký "Đông và Tây" mà ông đã xuất bản trước đó. Patten nhận ra đây là một bản in lậu ở Đài Loan nhưng vẫn "rất vui vẻ ký tặng", ông mỉm cười kể lại.
"Tôi yêu Hong Kong như chính mảnh đất của mình vậy. Tôi muốn trở về đây để thưởng thức những món ăn châu Á ngon nhất thế giới", Patten nói.