Vậy là 20 năm đã trôi qua kể từ ngày Hong Kong được Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len trao trả về Trung Quốc. Hong Kong có những thay đổi gì kể từ ngày 1/7/1997? Chủ tịch Tập Cận Bình đã sang Hong Kong vào ngày hôm qua 29/6.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công bố nhà lãnh đạo mới được bầu cử của đặc khu Hong Kong.
Đã tròn 20 năm kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997. Sự kiện lịch sử lúc đó đã được tường thuật trên nhiều kênh truyền hình quốc gia của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Sau 20 năm, Hong Kong vẫn duy trì chính sách "một quốc gia, hai thể chế", theo đó, chính quyền trung ương Trung Quốc chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao, còn chính quyền Hong Kong duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.
Cùng nhìn lại 20 năm "trở về đất mẹ" của Hong Kong qua những bức ảnh do hãng tin Reuters ghi lại.
Quốc kỳ Trung Quốc được binh sỹ nước này tung lên, đánh dấu chủ quyền của nước này đối với Hong Kong sau 156 năm bị Anh đô hộ, ảnh chụp ngày 1/7/1997 tại Hong Kong.
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ theo dõi giá cổ phiếu bên trong một ngân hàng ở Hong Kong ngày 1/12/1998. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 đã tạo ra một cuộc bán tháo thị trường, buộc một số nền kinh tế mới nổi phải khẩn cấp đưa ra các lệnh kiểm soát giao dịch nhằm kìm chế các nhà đầu tư. Hong Kong đã gây kinh ngạc cho thị trường khi bơm vào 15 tỷ USD trong tháng 8/1998 để ngăn chặn các cuộc đầu cơ. Theo nhiều chuyên gia, sự can thiệp này đã cứu Hong Kong khỏi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Các nhà đầu tư xếp hàng trước ngân hàng HSBC ở Hong Kong để chờ mua cổ phiếu ở tom.com - một start-up do tỷ phú Li Ka Shing điều hành vào 23/2/2000. Hình thành từ cơn sốt dotcom trong vai trò là một cổng thông tin trên internet, tom.com đã nhanh chóng thu hút được nguồn vốn khổng lồ lên đến 100 triệu USD ngay khi bong bóng internet bùng nổ. Sau này, tom.com đổi tên thành Tom Group và tiếp tục phát triển.
Một người đàn ông đeo khẩu trang để ngăn chặn virus SARS tham dự lễ tang của bác sĩ Tse Yuen-man ở Hong Kong, ngày 22/5/2003. Hong Kong là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch SARS. Khoảng 299 người đã chết trước khi đại dịch SARS được công bố tại đặc khu này. Bác sĩ Tse đã mất vì SARS khi chăm sóc các bệnh nhân mang virus ở một bệnh viện. Cô được người dân Hong Kong xem như một người hùng.
Đám đông biểu tình trên một đường phố chính ở trung tâm mua sắm Hong Kong vào ngày 1/7/2004, đúng 7 năm sau ngày trao trả, khi Trung Quốc loại bỏ khả năng thông qua hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu ở đặc khu trong năm 2007 và 2008, ngăn chặn quá trình cải cách chính trị nơi đây.
Người đàn ông có tên là Kong Siu-kau đang chờ đợi bữa tối trong một cái cũi nhỏ ở quân Tai Kok Tsui, Hong Kong, ngày 16/7/2008. Giá bất động sản tăng mạnh, đẩy giá thuê nhà cao khủng khiếp đã khiến hàng ngàn người dân Hong Kong phải chuyển đến ở trong những chiếc "nhà cũi" như thế này. Tới năm 2017, ước tính có khoảng 200.000 người Hong Kong vẫn phải sống trong những chiếc cũi nhà hay những ngôi nhà rộng chỉ bằng chiếc giường đơn.
Nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh (trái) tuyên thệ trước Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong buổi lễ ra mắt chính quyền đặc khu Hong Kong mới vào ngày 1/7/2012. Khi nhậm chức, ông Lương cam kết sẽ làm giá nhà ở giảm xuống và đưa lại dân chủ nhiều hơn cho Hong Kong, những vấn đề gây trở ngại cho người tiền nhiệm của ông. Đến nay, tất cả các vấn đề đó vẫn còn tồn tại và được chuyển giao cho nhà lãnh đạo mới.
Một người biểu tình giơ cao chiếc ô - biểu tượng của phong trào dân chủ ở Hong Kong ngày 28/9/2014. Phong trào này đã kêu gọi các cuộc biểu tình quy mô lớn kêu gọi bỏ phiếu phổ thông để bầu cử ra nhà lãnh đạo mới. Phong trào Occupy Central (được báo chí trong nước dịch là Chiếm lĩnh Trung Hoàn) đã khiến Hong Kong rung chuyển trong 79 ngày.
Ngày 1/7/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ là bà Bành Lệ Viện đã đáp máy bay xuống Hong Kong, thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chuyến thăm đánh dấu tròn 20 năm kể từ khi Hong Kong được trao trả cho đại lục.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đón ông Tập Cận Bình tại sân bay vào ngày 29/6/2017 trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc tới đặc khu Hong Kong. Trong chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình cũng sẽ ra mắt chính quyền mới của Hong Kong do bà Lâm đứng đầu.