Giữ vị trí cao nhất của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tập Cận Bình không bao giờ gắp những người dưới cấp của mình. Dư luận ngạc nhiên ông ta đã đích thân gặp Thống đốc bang California tại Bắc Kinh hôm 6/6? Sự bất thường này có ỹ nghĩa gì đây?
Thống đốc California Jerry Brown (trái) gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/6.
Chính phủ Trung Quốc và giới chức cấp cao nước này không bao giờ làm một điều gì đó mà không có mục đích. Lịch trình của Chủ tịch Trung Quốc luôn phải được kiểm soát nghiêm ngặt, các bài phát biểu phải được lên kịch bản một cách kỹ lưỡng, và những lần xuất hiện công khai cũng được sắp xếp gọn gẽ. Chính vì vậy cuộc gặp mặt hôm 6/6 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thống đốc bang California Jerry Brown lại càng được chú ý hơn.
Mục đích của chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày của vị thống đốc thuộc đảng Dân chủ này là bàn về biến đổi khí hậu. Sau điểm dừng chân ở hai tỉnh Giang Tô và Tứ Xuyên, Thống đốc Brown có mặt tại Bắc Kinh tham gia Hội nghị Bộ trưởng về Năng lượng sạch. Hội nghị năm nay diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định gây tranh cãi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết vào năm 2015.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thống đốc Brown đã có buổi gặp mặt khi hội nghị khai mạc tại Bắc Kinh. Họ bàn luận về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và làm thế nào để Trung Quốc hợp tác cùng bang California.
Ông Brown cho kênh truyền hình CNN biết: “Thật đáng chú ý khi Thống đốc bang California có thể gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc và trò chuyện về vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời đại chúng ta”.
Mặc dù ông Brown và ông Tập Cận Bình không trực tiếp bàn luận về Hiệp định Paris, song trước mặt khán giả ở hội nghị Bắc Kinh, ông Brown nhấn mạnh biến đổi khí hậu có thể nguy hiểm hơn mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít trong suốt thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Không chỉ có vậy, Thống đốc Brown còn gọi quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Trump là “điên rồ”.
Cho đến hiện giờ, Trung Quốc chưa công khai lên tiếng chỉ trích quyết định Mỹ rời khỏi Hiệp định Paris. Song buổi gặp mặt riêng với Thống đốc Brown có thể nhìn nhận đây là một thông điệp ngầm gửi tới chính quyền Trump: Trung Quốc tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề và không nghĩ Mỹ đã làm đủ để giải quyết nó.
Theo CNN, xét bề ngoài, lần gặp này giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Brown không có gì quá lạ. California là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Cha của ông Tập Cận Bình cũng quen biết với ngài Brown. Tuy nhiên, thực tế thì Chủ tịch Trung Quốc rất hiếm gặp các quan chức mà dưới cấp nội các.
Chính vì vậy quyết định gặp mặt công khai ông Brown lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể là tín hiệu cho thấy Trung Quốc nghiêm túc như thế nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hiện Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho các dự án năng lượng tái tạo – hơn 200 triệu USD cho các dự án trong năm 2015 và 2016. Nước này cũng thông báo kế hoạch dành 360 triệu USD đầu tư cho đến năm 2020.
Là nền kinh tế lớn nhất còn lại trong Hiệp định Paris đồng thời là quốc gia sản sinh ra lượng khí thải nhiều nhất thế giới, Trung Quốc được nhận định là sẽ đóng vai trò chi phối, dẫn đầu toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề khí hậu.