Tình hình Trung Đông lại bước vào một đợt căng thẳng khác nguyên nhân cũng do khủng bố. Qatar bị hàng loạt các quốc gia Ả-Rập đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao. Nguyên nhân là Qatar đã "bảo trợ khủng bố”. Nga và Mỹ, 2 nước đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình tại vùng Vịnh, đều đã đưa ra các phản ứng riêng.
Nhận định về diễn biến mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng, quyết định cắt đứt mối quan hệ ngoại giao là “chuyện riêng” của các nước Ả-Rập, đồng thời khẳng định rằng, Nga muốn có mối quan hệ thân thiện với mọi quốc gia trong khu vực.
“Chúng tôi cho rằng, sự chia rẽ nào cũng có thể xảy ra. Chúng tôi không bao giờ vui vẻ khi nhìn thấy sự bất đồng trong quan hệ giữa các nước. Chúng tôi muốn làm bạn với mọi quốc gia, đặc biệt là ở khu vực tập trung nhiều nỗ lực để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, ông Lavrov cho hay.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov lên tiếng cho biết, Moscow không thể can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác, nhưng mong muốn sự căng thẳng ngoại giao này không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố.
Liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mới được thống nhất giữa các nước của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) mà Qatar là một phần trong đó, đại diện ngoại giao thường trực của Nga tại Áo, ông Vladimir Voronkov hy vọng, diễn biến mới sẽ không thể ảnh hưởng đến thỏa thuận trên và xa hơn là giá dầu trên thị trường quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ và Nga đều cảnh báo, tránh để tình hình căng thẳng ngoại giao ảnh hướng đến cuộc chiến chống khủng bố
Về phần Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh vùng Vịnh đoàn kết, tránh để vấn đề xung đột cá nhân làm ảnh hưởng đến chiến dịch chống khủng bố.
“Chúng tôi thúc giục các bên ngồi cùng nhau và thảo luận về những sự khác biệt. Mỹ mong chờ đóng góp trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa các nước”, ông Tillerson nói khi đang có chuyến thăm Australia.
Vụ việc trên diễn ra 2 tuần sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các nước Ả-Rập ở Riyadh. Thời điểm đó cũng là lúc một tờ báo của Qatar thay mặt chính phủ nước này tuyên bố ủng hộ việc hàn gắn quan hệ với Iran.
Bahrain, Ả-Rập Saudi, Ai Cập và UAE đều đã lấy lí do Qatar đang hỗ trợ nhiều nhóm phiến quân khủng bố, đồng thời làm bất ổn tình hình trong khu vực để cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với nước này. Bộ Ngoại giao Qatar sau đó cũng đã lên tiếng phủ nhận hoàn toàn cáo buộc trên, đồng thời tố cáo ngược lại, chính các quốc gia trên mới đang can thiệp vào tình hình hình nội bộ của những nước khác.