Triều Tiên trở thành mối nguy hiểm lớn nhất mà Mỹ đang phải đối phó. Đội 3 tàu sân bay của Mỹ đã tới gần bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng động thái này có thể là một kế hoạch khẩn cấp đặc biệt để chặn đứng Triều Tiên.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz của Mỹ sắp có mặt ở Thái Bình Dương. Ảnh: GETTY IMAGES
Hải quân Mỹ vừa quyết định sẽ triển khai đội tàu sân bay tấn công thứ ba đến tây Thái Bình Dương để đối phó tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, gia tăng áp lực lên chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, theo Asahi Shimbun. Đội tàu này sẽ do tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz của Mỹ - một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới - dẫn đầu.
Theo các nguồn tin của Asahi Shimbun, ban đầu đội tàu tấn công do USS Nimitz dẫn đầu – thuộc hạm đội thứ 3 của hải quân Mỹ - được lên lịch triển khai đến Trung Đông.
Tuy nhiên hải quân Mỹ sau đó thay đổi chiến lược, quyết định triển khai tàu USS Nimitz về tây Thái Bình Dương trong 6 tháng để đối phó với khủng hoảng mới nhất liên quan Triều Tiên. Đội tàu này sẽ bắt đầu xuất phát từ căn cứ hải quân Kitsap-Bremerton ở bang Washington (Mỹ) vào ngày 1-6.
Hiếm hoi 3 đội tàu sân bay Mỹ có mặt cùng lúc tại khu vực
Trong đội tàu tấn công do tàu USS Nimitz dẫn đầu có 5 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Hạm trưởng Kevin Lenox cho biết tàu USS Nimitz vừa hoàn tất đợt nâng cấp và huấn luyện, và đây là lần triển khai đầu tiên của tàu kể từ năm 2013. Hạm trưởng Lenox đánh giá rất cao năng lực lực lượng thủy thủ đoàn của tàu.
Một khi có mặt tại tây Thái Bình Dương, đội tàu của USS Nimitz sẽ hợp cùng hai đội tàu tấn công do hai tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan dẫn đầu đang có mặt tại khu vực.
Đội tàu tấn công do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu – cũng thuộc hạm đội thứ 3 của hải quân Mỹ - đã được triển khai đến biển Nhật Bản từ cuối tháng 4. Đội tàu tấn công do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu – thuộc hạm đội thứ 7 của hải quân Mỹ - vốn đóng tại TP cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật, có nhiệm vụ giữ trật tự an ninh tây Thái Bình Dương.
Ngày 16-4, đội tàu này bắt đầu rời Nhật ra tây Thái Bình Dương tập trận chung với đội tàu do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu. Chưa rõ đội tàu do tàu USS Nimitz dẫn đầu có tham gia cuộc tập trận này hay không.
Tại sao?
Như vậy 3 trong 11 tàu sân bay của hải quân Mỹ sẽ có mặt cùng lúc ở tây Thái Bình Dương. Việc hải quân Mỹ triển khai một lúc ba đội tàu sân bay tấn công đến cùng một khu vực là điều hiếm.
Tại sao Mỹ lại quyết định triển khai đội tàu USS Nimitz tham gia với hai đội tàu USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan? Ngay sau khi có thông tin Mỹ sắp triển khai đội tàu sân bay thứ ba đến tây Thái Bình Dương, đã có nhiều đồn đoán xảy đến. US Blasting News dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng đó có thể là một kế hoạch khẩn cấp đặc biệt. Giả thuyết này càng được củng cố khi có thông tin vào tuần tới Mỹ sẽ tập trận giả định tấn công phủ đầu Triều Tiên cũng như thử các hệ thống phòng không, trong đó có cả thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Việc Mỹ triển khai cùng lúc 3 đội tàu tấn công đến tây Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh tiến trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đang phát triển nhanh. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Vincent Stewart cho rằng Triều Tiên không sớm thì muộn cũng sẽ có được công nghệ đặt đầu đạn hạt nhân vào ICBM đe dọa đến lục địa Mỹ. Trong khi đó, theo một chuyên gia Mỹ, “Triều Tiên đang phát triển khi vũ khí hạt nhân có khả năng đánh phủ đầu Mỹ, có thể sẽ thành công vào năm 2020”.
Mặt khác, thông qua quyết định này Mỹ cũng muốn gửi đến Trung Quốc một tín hiệu nên tiếp tục hợp tác với Mỹ trong kiềm chế Triều Tiên, theo Asahi Shimbun. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rõ Mỹ sẽ đơn phương hành động với Triều Tiên nếu Trung Quốc không hợp tác.
Trung Quốc, Nga phản ứng sao?
Trung Quốc và Nga sẽ phản ứng thế nào với diễn biến hay động sức mạnh hải quân đến tây Thái Bình Dương của Mỹ?
Theo US Blasting News, có thể Nga sẽ không phản ứng quá mạnh với động thái này của Mỹ. Trọng tâm chú ý hiện nay của Nga là khủng hoảng Syria, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad mới đây chiếm được thêm lãnh thổ phía nam từ IS. Thêm nữa, Nga cũng tự tin khi gần đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp một số lãnh đạo châu Á, trong đó có Philippines – một đồng minh của Mỹ. Và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị Nga hỗ trợ vũ khí.
Trong khi đó Trung Quốc chắc chắn sẽ rất lo ngại.Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn trong thực thi chính sách bành trướng ở biển Đông và biển Hoa Đông, theo đuổi hiện đại hóa quân đội, đặc biệt không quân và hải quân. Hiện Trung Quốc đã có hai tàu sân bay và đang từng bước tăng sức mạnh hải quân để trở thành một sức mạnh khu vực áp đảo Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Cuộc chiến giành quyền lực ở châu Á đang căng thẳng và có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào.
Therealtz © VietBF