Đây là mục tiêu rất rõ ràng của Mỹ nếu như có chiến tranh nổ ra. Đặc biệt nhất là các mục tiêu vũ khí, cơ sở hạt nhân. Do những căng thẳng đang leo thang nhanh hơn trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang, có thể bùng lên thành xung đột bất cứ lúc nào.
Theo các chuyên gia của National Interest, Mỹ hiện nay có nhiều lựa chọn mục tiêu nếu muốn phát động đòn tấn công quân sự vào Triều Tiên, trong trường hợp cuộc khủng hoảng trên bán đảo bùng phát thành xung đột.
Cả 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên trong 10 năm qua đều diễn ra tại khu vực Punggye-ri ở đông bắc nước này.
Các hoạt động tại bãi thử truyền thống này rất khó che giấu. Các chuyên gia phân tích tình báo có thể dễ dàng dựa vào hình ảnh vệ tinh của bãi thử để xác định những dấu hiệu về một vụ thử hạt nhân sắp diễn ra của Triều Tiên.
Punggye-ri được thiết kế để có thể tiến hành những vụ thử hạt nhân có sức công phá lên đến 200 kiloton. Do đó, việc lựa chọn phương thức và vũ khí tấn công vào địa điểm này sẽ là một bài toán hóc búa với Lầu Năm Góc.
Nhà máy tên lửa Chanjin
Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng chỉ vài km, nhà máy Chanjin là cơ sở sản xuất chính các linh kiện tên lửa đạn đạo phức tạp của Triều Tiên, bao gồm cả hệ thống dẫn đường và điều khiển.
Nhà máy này cũng có các thiết bị thử nghiệm linh kiện tên lửa. Đây được cho là nơi diễn ra cuộc thử nghiệm đường bay của tên lửa Triều Tiên vào năm 2016.
Trạm phóng vệ tinh Sohae
Trạm phóng này nằm ở tây bắc Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc, là cơ sở đầu tiên thử phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Từ địa điểm này, tên lửa Triều Tiên bay xuống phía nam, băng qua không phận Nhật trong vài giây trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Lần phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa đầu tiên tại trạm Sohae vào năm 2012 thất bại, hai lần phóng sau đó diễn ra vào cuối năm 2012 và 2016 đã đưa thành công một vệ tinh của Triều Tiên lên quỹ đạo.
Tổ hợp quân sự Kusong
Nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, gần nhà máy hạt nhân Yongbyon, Kusong là một tổ hợp công nghiệp, quân sự quan trọng của Triều Tiên, bao gồm nhiều nhà máy sản xuất đạn dược nằm sát nhau.
Đây là nơi Bình Nhưỡng thử nghiệm nhiều vụ nổ có sức công phá lớn trong suốt nhiều năm trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Hiện các vụ thử nghiệm vật liệu kích nổ bom hạt nhân vẫn diễn ra tại đây.
Gần đây, Kusong cũng thường xuyên được Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Căn cứ hải quân Sinpo
Nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, Sinpo là căn cứ hải quân và xưởng đóng tàu lớn nhất của Bình Nhưỡng. Đây là nơi Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1.
Căn cứ Sinpo là một mục tiêu tương đối dễ dàng bởi nó không có hang ngầm dành cho tàu ngầm. Đây chắc chắn là mục tiêu mà các chiến lược gia Mỹ sẽ nghĩ đến nếu muốn vô hiệu hóa hải quân Triều Tiên khi xung đột nổ ra.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, là địa điểm nổi tiếng nhất khi đề cập đến chương trình hạt nhân Triều Tiên. Đây cũng là nơi chính quyền Clinton từng có ý định tấn công vào năm 1994. Tuy nhiên, một thỏa thuận giữa hai nước đã ngăn chặn kế hoạch tấn công này và dẫn tới việc đóng cửa cơ sở Yongbyon trong 8 năm.
Yongbyon là cơ sở cung cấp plutoni chính cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và có các cơ sở làm giàu urani với khoảng 2000 máy ly tâm các loại.
Nhà máy Pyongsan
Dù không phải là mục tiêu tấn công ưu tiên hàng đầu của Mỹ, vai trò của Pyongsan cũng rất quan trọng trong số những cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Do nằm gần một mỏ quặng urani, Pyongsan trở thành cơ sở chính tinh luyện thành phẩm urani để chuyển sang các nhà máy làm giàu phục vụ mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ngoài các cơ sở hạt nhân và tên lửa, Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu tới các căn cứ không quân của Triều Tiên nếu có ý định tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.
Hiện Triều Tiên sở hữu khoảng 1.300 máy bay quân sự, phần lớn được mua và sản xuất từ thời Chiến tranh Triều Tiên và một số máy bay hiện đại như MiG-23, MiG-29 và Su-25.