Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, chính trường Mỹ đã bị một cú sốc. Cơ quan này hỗn loạn như rắn mất đầu. Nga tuyên bố ngay việc da thải này không liên quan đến Nga. Sự thật là Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov chỉ vài giờ sau khi bất ngờ sa thải giám đốc FBI James Comey, người đang điều tra mối liên hệ giữa ông và Nga.
Ngày 10/5, ông Trump vừa có cuộc họp với ngoại trưởng Nga tại Nhà Trắng. Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey I. Kislyak, người từng bàn việc dỡ bỏ trừng phạt của Washington lên Moscow với cựu cố vấn cấp cao Nhà Trắng Michael Flynn, cũng góp mặt.
Phóng viên không được phép vào để đưa tin hay chụp ảnh và chỉ duy nhất hãng tin Tass của Nga đăng một vài tấm ảnh về sự kiện này. Mặc dù ngay sau đó, tất cả phóng viên lại được mời tham dự cuộc họp giữa ông Trump và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không tổ chức họp báo nào trước cuộc họp giữa ông Lavrov và ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson.
Một bức ảnh hiếm hoi trong cuộc họp giữa tổng thống Mỹ (giữa) và ngoại trưởng Nga (trái) với sự góp mặt của ngoại trưởng Mỹ (phải) ngày 10/5
Ông Tillerson nổi tiếng với việc không muốn tiếp xúc với báo chí. Ngược lại, người đồng cấp phía Nga nhanh chóng mời các phóng viên đến đại sứ quán Nga ở Washington để thông báo tình hình.
Tuy nhiên, thay vì có cơ hội nói về kế hoạch của Nga nhằm đem lại hòa bình ở Syria, ông Lavrov phải đối mặt với một loạt các câu hỏi về ảnh hưởng của việc sa thải ông Comey tới mối quan hệ Mỹ - Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson (phải) gặp người đồng cấp phía Nga, Sergey V. Lavrov tại Washington hôm thứ 4 (10/5)
Về việc sa thải ông Comey, dù vấp phải nhiều chỉ trích nhưng ông Trump và đồng minh không hề hối tiếc, nhấn mạnh rằng chính các đặc vụ FBI kêu gọi đuổi việc ông này. Tổng thống Mỹ thậm chí còn công kích đảng Dân chủ và những người chỉ trích, gọi họ là những kẻ đạo đức giả.
Báo chí và giới phân tích nhận định việc ông Trump gặp lãnh đạo cấp cao của Nga ngay sau khi sa thải ông Comey là không đúng lúc. Cách lên lịch làm việc của Nhà Trắng quá “nghiệp dư”, Vladimir Frolov, nhà phân tích và nhà bình luận chính sách đối ngoại, nói.