VBF-Sau thời Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình là người có chính sách cứng rắn hơn. Ông đang chiếm thế thượng phong tại Biển Đông. Trong các cuộc khảo sát cho thấy 75% người dân cho rằng Trung Cộng đã nắm được Biển Đông.
Gần 75% cho biết Trung Quốc đã là cường quốc thống trị ở Đông Nam Á, ảnh hưởng của Bắc Kinh đã được thiết lập và sẽ còn phát triển trong thập kỷ tới.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 8/5 đưa tin, một cuộc khảo sát ở 10 quốc gia Đông Nam Á cho thấy, dường như Hoa Kỳ đã để tuột mất vị thế chiến lược của mình tại khu vực này và mở cửa cho Trung Quốc nhanh chóng khỏa lấp khoảng trống quyền lực, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.
Hơn một nửa trong số 318 người từ 10 nước Đông Nam Á được Viện Iseas-Yusof Ishak, Singapore khảo sát nói rằng:
Hoa Kỳ đã đánh mất vị thế chiến lược của mình ở Đông Nam Á vào tay Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, và Trung Quốc đã nổi lên thành quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khu vực.
Kết quả khảo sát được công bố tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra các cam kết an ninh muộn màng trong cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN ở Washington.
Hơn 70% số người được hỏi là các quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu, giới doanh nhân, truyền thông và xã hội dân sự từ 10 nước ASEAN cho biết, uy tín của Mỹ với khu vực này dưới thời Trump đã xấu đi, hoặc rất xấu.
Bởi vì nước Mỹ dưới thời Trump đã thờ ơ với khu vực này, trong đó bao gồm việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hơn 54% số người được hỏi cảm thấy Mỹ ít đáng tin cậy hơn so với 4 tháng trước đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: SCMP.
Nhiều người trong khu vực Đông Nam Á vẫn tin sự tham gia của Mỹ là rất quan trọng với an ninh khu vực, khi có 68% đồng ý rằng Mỹ nên tiếp tục duy trì tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ có hơn 3% cảm thấy Mỹ là quốc gia ảnh hưởng nhất trong khu vực thời điểm hiện tại, thậm chí là trong tương lai 10 năm tới.
Gần 75% cho biết Trung Quốc đã là cường quốc thống trị ở Đông Nam Á, ảnh hưởng của Bắc Kinh đã được thiết lập và sẽ còn phát triển trong thập kỷ tới.
Mặc dù quan hệ Washington - Bắc Kinh đã ấm lên trong những tuần gần đây, vẫn có 44% số người được hỏi dự kiến quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên cạnh tranh hơn.
14,5% số người được hỏi tin rằng, căng thẳng và thù địch giữa 2 siêu cường sẽ tiếp tục gia tăng.
Đáng chú ý là Trung Quốc đã nhận được những phản ứng tiêu cực cao nhất ở Đông Nam Á khi có 72,5% số người được hỏi ít có, hoặc không có niềm tin vào Trung Quốc sẽ có đóng góp cho hòa bình toàn cầu, an ninh và thịnh vượng khu vực. [1]
Liệu Biển Đông có trở thành "Crimea phiên bản Trung Quốc"?
Câu hỏi này được Nicholas Lyall, một sĩ quan nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia và làm việc tại Học viện An ninh quốc gia Australia viết trên The National Interest ngày 7/5. [2]
Ông Nicholas Lyall đánh giá:
Quan hệ hữu nghị đang phát triển giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin thời gian gần đây phản ánh những điểm tương đồng trong phong cách lãnh đạo cá nhân của hai người.
Cả hai nhà lãnh đạo này thường tìm kiếm "vị thế quốc gia" trong chính sách đối ngoại để duy trì địa vị và uy tín của mình ở trong nước.
Tuy nhiên điều này cũng có thể dẫn đến sự đánh lừa trong chính sách đối ngoại, đồng thời dẫn đến sự hình thành các liên minh giữa các nước nhỏ bị anh hưởng chống lại các siêu cường.
Ông Putin đang phải chịu đựng những tác động tiêu cực từ cái bẫy đánh lừa này sau sự kiện Crimea mà Nga gọi là "sáp nhập".
Trong khi Nga ngày càng bận tâm bởi căng thẳng gia tăng với NATO trong vùng Baltic, chiến lược lớn Á - Âu của Putin đình trệ vì các nước Trung Á đang ngày càng nghi ngờ ý đồ của Nga sau sự kiện Crimea.
Dự án chiến lược Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) hiện không hoạt động.
Sự "vỡ mộng" của các thành viên EEU và các quốc gia Trung Á khác đối với chủ nghĩa phiêu lưu của Putin và nghi ngờ của họ về ý đồ của Moscow có thể làm suy yếu nghiêm trọng chiến lược lớn của Nga.
Hiệu ứng thứ nhất đối với các nước thành viên EEU và Trung Á là tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với Liên minh châu Âu và Trung Quốc để tránh rủi ro trong quan hệ với Nga.
Hiệu ứng thứ hai là là các quốc gia này hợp tác chống lại sự thống trị của Moscow.
Bên cạnh đó việc Nga thiếu vốn để lái con tàu hội nhập kinh tế khu vực có thể đẩy các nước Trung Á tăng cường cải cách kinh tế trong nước, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Nga.
Liệu bài học Crimea với Putin có lặp lại với ông Tập Cận Bình trên Biển Đông?
Hai thành công chiến lược của ông Tập Cận Bình ở Đông Nam Á
Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình tuyên bố về chiến lược biến Trung Quốc thành cường quốc hàng hải là một phiên học tập tập thể của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 7/2013. [3]
Nó báo trước các chính sách đối ngoại đầy tham vọng và cứng rắn của nhà lãnh đạo thay ông Hồ Cẩm Đào.
Tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2013 bàn về chính sách đối ngoại, ông Tập Cận Bình đã vạch ra chương trình nghị sự mới.
Nó được xây dựng trên nền tảng Trung Quốc thúc đẩy tranh chấp trong khu vực để thực hiện tuyên bố chủ quyền của họ và tìm kiếm sự chấp nhận cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. [4]
Việc ông Tập Cận Bình ngày càng cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại được thiết kế để hợp thức hóa "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" với Hoa Kỳ.
Trong đó Trung Quốc (mong muốn) sẽ nhận được sự tôn trọng và hợp tác tương đương với vai trò và phản ánh sự trỗi dậy của mình như một siêu cường toàn cầu.
Bất chấp việc chính quyền Mỹ thời Barack Obama không bao giờ thừa nhận "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" mà Bắc Kinh cổ súy, ông Tập Cận Bình đã có được uy tín đáng kể trong nước nhờ hình ảnh một lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ trong đối ngoại. [5]
Sự kiện tháng 5/2014 Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn để chống lại chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cơ quản chủ quản giàn khoan 981 đã cố gắng đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ tham vọng của ông Tập Cận Bình với tuyên bố:
Giàn khoan khổng lồ là "lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược" để Trung Quốc thành cường quốc biển. [6]
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Asia Times.
Mối gắn kết của các nước trong khu vực chống lại chính sách độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi tăng dần trong suốt năm 2014 và 2015, đạt mức cao nhất khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7/2016.
Nhưng ngay sau đó cao trào gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài đã xẹp xuống khi Mỹ tìm cách giảm áp lực , còn nội các mới tại Manila thời Tổng thống Rodrigo Duterte nhanh chóng tái lập quan hệ với Bắc Kinh.
Thành công chiến lược lớn thứ nhất của Tập Cận Bình trên Biển Đông là khả năng học hỏi cách thức làm thế nào để đẩy ranh giới đến giới hạn mà không gây ra phản ứng mạnh từ đối thủ.
Việc Trung Quốc sử dụng các tàu cảnh sát biển dần kiểm soát cụm bãi cạn Luconia nằm gần bờ biển Malaysia từ tháng 9/2013 đến nay là một ví dụ điển hình.
Các tàu này chỉ tạm rút vào tháng 8/2015 khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Đông Á tại Kuala Lumpur. Chúng quay trở lại Luconia gần như lập tức khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Điều đáng nói là vấn đề Luconia gần như biến mất khỏi các hoạt động diễn thuyết công cộng tại Malaysia, và nó không còn khả năng tạo thành sức mạnh phản kháng thống nhất.
Thành công chiến lược thứ 2 của Tập Cận Bình là tiến hành song song chính sách đối ngoại quyến rũ với các nước Đông Nam Á, điển hình là Philippines.
Tháng 3 năm nay, ông Tập Cận Bình đưa ra một gói đầu tư cam kết dự kiến 10 tỉ USD vào Philippines và đã thu về một "phản ứng dạt dào tình cảm" của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Như vậy đến nay so với Tổng thống Putin, ông Tập Cận Bình dường như đã đạt được mục tiêu của mình (tăng kiểm soát thực tế trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đối ngoại - kinh tế thương mại lên ASEAN) mà không bị rơi vào cái bẫy như Crimea.
Trung Quốc đang tiếp tục củng cố sự hiện diện của họ như hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng (quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở 7 cấu trúc ngoài Trường Sa) đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể hiện diện của các tàu Trung Quốc phía Nam đường lưỡi bò.
Như vậy Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết mục tiêu kiểm soát Biển Đông, ngăn chặn các nước Đông Nam Á sử dụng và khai thác các vùng biển (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của mình).
Tình trạng bất ổn hiện nay giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á sẽ cho ông Tập Cận Bình nhiều không gian để củng cố, kiểm soát hoạt động trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Nam Hải cũng cần lưu ý một điều, rằng người dân Philippines không phải ai cũng chia sẻ quan điểm của Tổng thống Rodrigo Duterte trong xử lý tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá trong phạm vi đường lưỡi bò mà Trung Quốc mới tuyên bố có thể là một điểm bùng phát lái quan hệ Philippines -Trung Quốc rẽ theo một hướng khác.
Cho đến hiện tại, ông Tập Cận Bình vẫn đang chiếm thế thượng phong ở Biển Đông.
Tương lai cục diện vùng biển này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách thức Tập Cận Bình duy trì thành công hiện tại và theo đuổi mục tiêu tiếp theo của mình, cũng như khả năng tránh vượt những giới hạn đỏ, ví dụ như quân sự hóa bãi cạn Scarborough có thể là chất xúc tác hình thành liên minh quốc tế ngăn chặn Trung Quốc. [1]