Mục đích vụ không kích vào Syia của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất nhanh chóng. Ông muốn một tên trúng nhiều đích trước khi gặp Tập Cận Bình. Nhưng chưa chắc đã có tác dụng với Bắc Hàn. Có thể sẽ là ngược lại?
Triều Tiên ngày 8/4/2017 đã lên tiếng tố cáo vụ tấn công của Mỹ vào một sân bay quân sự của Syria là "hành động xâm lược không thể chấp nhận được".
Quang cảnh một cuộc họp của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên (Ảnh do KCNA công bố) - REUTERS.
Triều Tiên ngày 8/4/2017 đã lên tiếng tố cáo vụ tấn công của Mỹ vào một sân bay quân sự của Syria là "hành động xâm lược không thể chấp nhận được". Theo Bình Nhưỡng, hành động trên của Mỹ càng "chứng minh hơn triệu lần" sự đúng đắn trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo AFP, bình luận trên được phát trên các đài truyền hình Nhà nước là phản ứng đầu tiên của Bắc Triều Tiên về vụ tấn công Syria đêm 6 rạng sáng 7/4 theo lệnh của tổng thống Mỹ Donald Trump, sau vụ tấn công hóa học vào thường dân mà chế độ Damas bị quy trách nhiệm.
Hãng tin chính thức KCNA trích phát biểu của một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao bắc Triều Tiên, khẳng định: "Thực tế ngày nay cho thấy chúng ta phải lấy quyền lực chống lại quyền lực và điều này chứng minh hơn triệu lần rằng quyết định tăng cường lực lượng răn đe nguyên tử của chúng ta là lựa chọn đúng đắn".
Vẫn theo quan chức ngoại giao này, "vụ tấn công nhắm vào Syria nhắc lại cho chúng ta rằng ảo tưởng vào chủ nghĩa đế quốc là rất nguy hiểm, chỉ có sức mạnh quân sự mới bảo vệ được chúng ta khỏi sự xâm lược của đế quốc… Chúng ta tiếp tục bảo vệ sức mạnh phòng thủ quân sự bằng nhiều cách khác nhau để đối mặt với các hành động xâm lược ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ".
Nhiều nhà phân tích cho rằng đợt tấn công của Mỹ vào sân bay quân sự tại Syria là một thông điệp rõ ràng gửi đến Bình Nhưỡng để hiểu rằng Hoa Kỳ không ngại dùng đến giải pháp quân sự chống lại Bắc Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa Bình Nhưỡng rằng Mỹ sẽ đơn phương hành động nếu Trung Quốc không kìm hãm được chương trình vũ khí hạt nhân của nước láng giềng.
Vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, ngày 30/03, Washington thông báo cấm mọi hoạt động thương mại của Mỹ liên quan đến lĩnh vực quân sự với hải quân Eritrea.
Lệnh cấm có hiệu lực trong vòng hai năm, vì theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, được công bố vào tháng Hai, một lô hàng thiết bị quân sự được gửi từ Bắc Triều Tiên đến quốc gia đông bắc Phi này đã bị giữ vào tháng 7/2016. Ngày 4/4, chính phủ Eritrea cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ là "vô căn cứ".