Vietbf.com - Một kế hoạch bí mật tấn công Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc bị các tin tặc (hacker) Triều Tiên đã đánh cắp, khiến bí mật Mỹ và Hàn Quốc xây dựng để tấn công Bình Nhưỡng bị vụ tấn công này nhằm vào một máy chủ tại trung tâm mạng của quân đội Hàn Quốc.
Tạp chí Diplomat đưa tin theo quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, kế hoạch OPLAN 5027 liên quan tới chiến dịch tấn công phủ đầu Triều Tiên đã bị các hacker Triều Tiên tiếp cận và đánh cắp dữ liệu.
Tuy nhiên, vị quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh: "Các hacker Triều Tiên mới chỉ tiếp cận được một phần của kế hoạch". Song, hành động thâm nhập của các hacker Triều Tiên đã buộc giới chức quân sự Mỹ - Hàn phải tiến hành thảo luận về việc có nên thay đổi kế hoạch OPLAN 5027 hay không.
Kế hoạch chuẩn bị tấn công Triều Tiên của Mỹ - Hàn bị hé lộ.
Giới chức Hàn Quốc cho biết họ phát hiện các dữ liệu liên quan tới OPLAN 5027 bị đánh cắp trong quá trình điều tra một vụ tấn công mạng hồi mùa thu năm ngoái. Vụ tấn công này nhằm vào một máy chủ tại trung tâm mạng của quân đội Hàn Quốc. Thủ phạm được xác định là các hacker ở thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc. Các hacker này đã sử dụng một mã độc tương tự như các hacker Triều Tiên từng sử dụng trước đây.
Liên quan tới kế hoạch OPLAN 5027, Mỹ - Hàn được cho là thường xuyên tiến hành nâng cấp các kịch bản chiến tranh đối phó với Triều Tiên. Hồi năm 2015, Mỹ - Hàn đã cho xây dựng một kế hoạch mang tên OPLAN 5015 sau đó là OPLAN 5027. Trong đó, OPLAN 5015 nhắm tới mục tiêu Mỹ và Hàn Quốc tăng cường mạnh mẽ hoạt động tổ chức diễn tập chung để chuẩn bị đối phó với Triều Tiên.
Cả OPLAN 5015 và OPLAN 5027 đều là những kịch bản quân đội Mỹ - Hàn xây dựng nhằm chuẩn bị phương án đối phó trước các vụ tấn công đầu tiên từ phía Triều Tiên. Song OPLAN 5015 được cho nghiêng về kế hoạch kết hợp các cuộc tấn công nhằm vào hệ thống triển khai hạt nhân của Triều Tiên, để tránh làm căng thẳng leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ngay trong các cuộc tấn công đầu tiên.
Về phần mình, lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn mang tên Đại bàng non và Giải pháp then chốt. Thông qua những cuộc tập trận này, Bình Nhưỡng đã phần nào dự đoán được những thiết bị vũ khí mà liên quân Mỹ - Hàn có thể sử dụng để tiến hành chiến tranh mà ít nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống lại Triều Tiên.
Còn kể từ năm 2000, cộng đồng quốc tế trong đó phải kể tới Mỹ đã có những hành động nhằm đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hòa bình. Cụ thể, Mỹ từng cử cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright dưới thời Tổng thống Bill Clinton tới thăm Triều Tiên. Ngoài ra, Anh cùng nhiều nước phương Tây cũng đưa ra nhiều biện pháp ngoại giao cũng như hạn chế áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này đều đi đến thất bại đặc biệt là sau khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của người cha Kim Jong-il vào năm 2011. Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không ngừng mở rộng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Ngay cả trước khi rời khỏi nhiệm sở, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng cảnh báo ông Donald Trump rằng Triều Tiên có thể trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất mà vị cựu tỷ phú sẽ phải đối mặt trong suốt 4 năm giữ cương vị Tổng thống Mỹ.
Nhiều chuyên gia thì cho rằng Mỹ đang nghiêng về phương án tấn công quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điển hình hôm 7/3, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay các bệ phóng tên lửa và nhiều thiết bị thuộc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được chuyển tới Hàn Quốc. Trong khi Mỹ nhấn mạnh THAAD đơn thuần chỉ là thiết bị bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối và coi đây là hành động làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Reuters nhận định nếu Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, hành động này cũng mới chỉ có thể làm chậm tiến trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng song nó lại kích động sự trả thù mạnh mẽ từ Triều Tiên.
Giới chuyên gia thì cho rằng cuộc chiến mà Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Theo đó, Triều Tiên sẽ dùng tên lửa tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực như ở đảo Guam đồng thời tiêu diệt hàng rào pháo binh của Hàn Quốc.
Một số nhà nghiên cứu còn nhận định Triều Tiên có thể bắn 500.000 phát đạn sang thủ đô Seoul trong vòng một giờ đồng hồ. Thậm chí, nếu Triều Tiên đã hoàn thành phát triển rocket và làm chủ công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, mục tiêu mà Bình Nhưỡng tấn công chắc chắn sẽ là Nhật Bản.
Do đó, nhiều người tin rằng thay vì phát động chiến tranh, Mỹ có thể sẽ đưa ra thêm một số biện pháp trừng phạt kinh tế hay tấn công mạng để ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tên lửa.