Vietbf.com - Con rể Trump, là Jared Kushner đã đến thăm Iraq, mà trong chuyến công du quan trọng này, Jared Kushner một mình đã đóng hai vai, ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia, đúng là quyền lực gần như bất khả xâm phạm của Kushner dựa trên mối quan hệ gia đình với ông Trump.
Cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ, bao gồm Tổng tham mưu trưởng, Tướng Joseph F. Dunford Jr., và Cố vấn Cấp cao của tổng thống Jared Kushner với Thủ tướng al-Abadi bàn về sự hợp tác trong cuộc chiến chống phiến quân IS. Đây là một trong những chủ đề trọng tâm mà Tổng thống Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Chuyến công tác khác thường của Kushner đến Baghdad củng cố quyền lực đặc biệt của ông trong Nhà Trắng. Trong một bộ máy ở Nhà Trắng mà các phe phái cạnh tranh lẫn nhau, dưới sự lãnh đạo của một tổng thống đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối thì sự thăng tiến và quyền lực gần như bất khả xâm phạm của Kushner dựa trên mối quan hệ gia đình với ông Trump.
Con rể của Trump trong phái đoàn quan chức Mỹ hội kiến thủ tướng Iraq. Ảnh: NYT.
Củng cố quyền lực
Trang MSNBC gọi Kushner là "ngoại trưởng không chính thức", còn CNN thì đánh giá con rể của Trump cao hơn khi đặt biệt danh cho anh là "Bộ trưởng của tất cả". Trong khi đó, Washington Post cho rằng Kushner thường gọi tên của tổng thống, "ông Donald", khi trao đổi với những người khác.
Những nhiệm vụ mà Trump tin cẩn giao cho con rể rất đa dạng, từ chính sách đối ngoại (với Mexico và vùng Trung Đông) đến chuyện trong nước (cai nghiện ma túy, các vấn đề của cựu binh) và đóng vai người hòa giải giữa những phe phái khác nhau trong Nhà Trắng.
Vị trí đặc biệt của Kushner mang lại cho anh sự tự do để đóng vai trò như ngoại trưởng không chính thức và tự thiết lập quan hệ với các lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn, sau khi trở về từ Iraq, Kushner sẽ cùng tổng thống đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để dự cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các đối thủ của Trump thì rỉ tai nhau rằng Kushner khi đảm nhiệm những nhiệm vụ quá lớn khiến anh loay hoay không nhận thức được mình đang làm gì và không có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, Kushner đã tuyển dụng một đội ngũ gồm những người trợ lực xuất sắc, phần lớn không xuất thân từ khu vực công. Xuất thân doanh nhân của Kushner chính xác là những điều mà tổng thống cam kết về "tát cạn đầm lầy" ở Washington.
Mối quan hệ chưa từng có tiền lệ
Vai trò và mối quan hệ của Kushner với tổng thống gây tranh cãi vì đơn giản là nó chưa từng có tiền lệ. "Đây là một phi vụ gia đình", Thomas Mann, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, nói.
Jared Kushner tại trụ sở Bộ Quốc phòng Iraq ngày 3/4. Ảnh: AP.
"Trump chỉ hoàn toàn tin tưởng những người nhà gần gũi nhất. Đó là sự ngạo mạn của một doanh nhân rằng ông ta có thể điều hành chính phủ. Tôi không biết Kushner chia sẻ sự ngạo mạn này với Trump đến mức độ nào, nhưng chắc chắn anh ta sẽ sẵn sàng trả lời 'Vâng'", ông Mann nói.
Doug Wilson, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng thời Obama, nói một phần Trump tin cậy vào Kushner "do nhóm người có được lòng tin này rất hẹp".
Chưa đầy 100 ngày sau khi Trump nhậm chức, khối lượng công việc của Kushner gia tăng đáng kể, từ việc chuẩn bị việc đón tiếp các lãnh đạo từ Canada, Trung Quốc, Mexico; làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông; điều hành một văn phòng mới có nhiệm vụ cải tổ chính phủ liên bang...
Trong một khoảnh khắc đáng nhớ hồi tháng 1, Kushner chỉ đường cho Bộ trưởng Ngoại giao Mexico vào Phòng Bầu dục. Tại đây, họ đã thuyết phục tổng thống thay đổi nội dung về bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Mexico mà ông Trump sẽ đọc vào cuối ngày.
"Kushner đang nhận những nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhà Trắng. Theo kinh nghiệm của tôi, ai mà phải làm quá nhiều việc như vậy thì thường sẽ không thể làm tốt. Đây là một diễn biến đáng chú ý, chưa từng có tiền lệ nhưng không khôn ngoan", giáo sư Paul Light, Đại học New York, nói.
Chẳng hạn, chuyên gia Dennis A. Ross về chính sách vùng Cận Đông tại Viện Washington, hoài nghi về vai trò của Kushner trong việc trung gian hỗ trợ xây dựng thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông. "Đây là điều mà các nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã nỗ lực hàng thập kỷ một cách thầm lặng", Ross nói.
Tuy nhiên, ông Ross thừa nhận rằng lòng tin, mối quan hệ và quyền tiếp cận trực tiếp với tổng thống là tài sản lớn nhất của Kushner. "Nếu anh ta được giao vai trò đặc phái viên thì có rất nhiều việc phải hoàn thành. Nhưng nếu Kushner là người được trao quyền can thiệp vào những khoảnh khắc chiến lược nhất định thì điều này dễ quản lý hơn", ông Ross nhận định.