VBF-Bố chồng Hà Tăng sẽ tung tiền vào dự án sân bay quốc tế Cam Ranh. Được biết nhiều công ty sẽ tham gia, trong đó có công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đây là sân bay đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn do tư nhân đầu tư.
Công ty CRTC, chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là công ty được thành lập bởi 6 nhà đầu tư gồm: ACV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hóa Nasco và Vietjet.
Phối cảnh của dự án
Đáng chú ý, Chủ tịch của CRTC là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một doanh nhân khá nổi tiếng, ông đồng thời cũng là Chủ tịch của IPP và đã từng là thanh tra tài chính của hãng Boeing của Mỹ.
Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đã có văn bản đề xuất gửi Bộ GTVT, đề nghị được làm chủ đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Văn bản của IPP nêu rõ, doanh nghiệp này sẽ dùng vốn của mình, không liên danh, liên kết với bất kỳ đối tác nước ngoài nào trong việc đầu tư xây dựng thêm một nhà ga hành khách này.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên đầu tư về Việt Nam sau những năm 1986 khi đất nước mới bắt đầu mở cửa. Hiện Công ty IPP đang phân phối khoảng 60 thương hiệu hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam.
Tuy nhiên IPP vẫn nổi tiếng với việc đã và đang tham gia 47 dự án xây dựng có vốn đầu tư hơn 480 triệu USD, trong đó có dự án vào hạ tầng hàng không và dịch vụ phi hàng không tại nhiều sân bay trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, IPP có cổ phần tại một số công ty phục vụ mặt đất và nắm các chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc…. IPP cũng tham gia cung cấp dịch vụ phi hàng không tại sân bay Manila (Philippines), có thỏa thuận hợp tác với đơn vị điều hành sân bay Incheon (Hàn Quốc) về hỗ trợ điều hành hoạt động của các cảng hàng không tại Việt Nam… Năm 2015, IPP cũng từng đề xuất được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…
Về dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3.735 tỷ đồng, vừa 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank thu xếp khoản tín dụng với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.
Theo CRTC, Dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh được đầu tư theo 3 giai đoạn, nhằm đạt mục tiêu đón 8 triệu khách vào năm 2030. Trước mắt công trình này được xây dựng để đón được khoảng 2,5 triệu khách mỗi năm. Hiện công trình đang thi công xây dựng, dự kiến vận hành sau 18 tháng thi công, dự kiến vào tháng 3/2018.
Quy mô gồm 2 tầng được thiết kế theo ý tưởng tổ yến, với tổng diện tích khoảng 50.500m2 sàn, nhà ga sẽ có 10 cửa ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa). Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đây là một trong những nhà ga sân bay đầu tiên được đầu tư bằng vốn tư nhân.