Triều Tiên tuyên bố vừa thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới, cho thấy sự phát triển nhanh chóng của chương trình nghiên cứu vũ khí bị Liên Hợp Quốc cấm của nước này. Hành động này của Kim Jong Un đã thách thức cả thế giới. Liên Hợp quốc sẽ có cuộc họp khẩn cấp về vụ này? Nhưng liệu có ngăn cản được Kim Jong Un hành động dại dột không? Câu hỏi này có lẽ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Theo AFP/Reuters, ngày 12/2, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc theo dõi trên truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại nhà ga ở Seoul. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một người phát ngôn của phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc nêu rõ: "Mỹ, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, đã yêu cầu tiến hành hội đàm khẩn cấp về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm12/2." Vụ phóng thử này được xem là một thách thức cho nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.
Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng cho hay Mỹ dự kiến cuộc họp này sẽ diễn ra vào khoảng thời gian buổi chiều 13/2.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã lên án việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và kêu gọi nước này ngừng các hành động khiêu khích mới.
Trong một thông cáo, ông Jens Stoltenberg nhấn đây là một sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có nghị quyết 2321 vừa được thông qua vào tháng 11/2016. Những hành động khiêu khích và hành vi vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc này làm xói mòn an ninh khu vực và quốc tế.
Theo ông Jens Stoltenberg, Triều Tiên phải chấm dứt tất cả các vụ thử có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và từ bỏ tất cả các chương trình tên lửa đạn đạo toàn bộ và vĩnh viễn như yêu cầu của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Jens Stoltenberg cũng yêu cầu Triều Tiên không làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nối lại các cuộc đối thoại tin cậy và có ý nghĩa với cộng đồng quốc tế./.