Biển Đông là mục tiêu không bao giờ Trung Quốc bỏ qua, hiện nay Tập Cận Bình đang để mọi thứ lắng xuống bởi chưa biết vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ ứng xử ra sao với các đồng minh của họ. Bắc Kinh đang có những chiến thuật mới nhằm thôn tính Biển Đông. Liệu "Bão" có nổi trên Biển Đông?
Hành động của Trung Quốc trong 6 tháng qua không phải là điều mà nhiều người kỳ vọng sau chiến thắng của Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ở La Hay (Hà Lan) hồi tháng 7-2016.
Không xây dựng thêm đảo, không bao vây tàu hải quân Philippines ở bãi Cỏ Mây, không tuyên bố đường cơ sở quanh Trường Sa hay Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, thay vào đó, Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch ngoại giao nhằm lấy lòng nhà lãnh đạo của Philippines, ông Rodrigo Duterte và tránh gây hấn với các bên tuyên bố chủ quyền khác. Tuy nhiên, sự thay đổi này có vẻ như chỉ mang tính chiến thuật.
Theo Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á” (AMTI) Gregory Poling, trên thực tế, Bắc Kinh không hề từ bỏ mục tiêu lâu dài là làm bá chủ Biển Đông.
Trung Quốc đã xây xong đường băng trái phép trên đảo Phú Lâm
Vài dấu hiệu về sự thay đổi
Một số nhà quan sát, đặc biệt là ở châu Á, muốn tin rằng Bắc Kinh bắt đầu thay đổi, tuy nhiên, chuyên gia Poling cho rằng những căng thẳng mới sẽ tiếp diễn trong năm 2017.
Bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sức nóng của vụ kiện tại PCA nên giảm đi và đây là lúc tất cả các bên cần trở lại con đường đúng đắn. Ông này khẳng định Trung Quốc sẽ tìm cách kết thúc một khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Biển Đông vào giữa năm 2017.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc sau đó đưa tin về một số vấn đề mà họ coi là “đột phá” tại cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc với những người đồng cấp ASEAN hồi tháng 8-2016, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc khẩn cấp trên biển và thực thi Quy tắc ứng xử trong các vụ va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà quan sát có quan điểm hoài nghi cho rằng cả đường dây nóng và việc thực thi CUES đã được đồng thuận từ ít nhất 1 năm trước đó và cũng được nhắc đi nhắc lại trong nhiều sự kiện. Trong khi đó, COC được theo đuổi trong hơn một thập kỷ qua mà vẫn không có tiến triển nào. Do vậy, không có lý do gì để tin rằng tình hình này có thể thay đổi trong vài tháng tới.
Việc Bắc Kinh thay đổi thái độ với Manila tạo nên hy vọng về việc giảm căng thẳng trên Biển Đông, nhưng quan sát kỹ hơn sẽ thấy có ít giá trị thực sự đằng sau sự thay đổi gần đây. Sau khi các lãnh đạo Trung Quốc chào đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2016, các quan chức Philippines khẳng định Tổng thống nước này đã đạt được một thỏa thuận hòa bình dành cho ngư dân Philippines trong việc tiếp cận bãi cạn Scarborough. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định phía Trung Quốc luôn thực thi quyền tài phán đối với bãi cạn Scarborough. Như vậy, rõ ràng là tình hình đang và sẽ không thay đổi.
Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vẫn chặn con đường duy nhất nhằm tiếp cận an toàn bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham
Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục chặn con đường duy nhất nhằm tiếp cận an toàn bãi cạn Scarborough và tuần tra xung quanh thực thể này. Các ngư dân
Philippines được phép hoạt động bên ngoài bãi cạn, nhưng chỉ khi Trung Quốc cho phép, vẫn như từ hồi Trung Quốc chiếm bãi cạn này từ năm 2012 đến nay. Tình hình hiện tại tất nhiên tốt hơn so với thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10-2016, khi Bắc Kinh chặn hết các tuyến hàng hải tiếp cận với Scarborough, nhưng cũng không khác gì nhiều trong 4 năm qua.
Một số người có thể coi sự giảm nhẹ căng thẳng tại Scarborough là một tín hiệu về sự hòa giải lớn hơn giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không từ bỏ các căn cứ quân sự mà họ xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn và cũng không đồng ý cho Philippines chiếm đóng bãi Cỏ Mây, mặc dù PCA đã ra phán quyết về 2 điều này. Hiến pháp Philippines dường như không cho phép Chính phủ Duterte đưa ra đề nghị cùng phát triển với Trung Quốc trừ khi dưới hình thức một thỏa thuận thương mại theo luật pháp Philippines - điều mà Bắc Kinh sẽ không đồng ý.
Hành động đẹp về ngoại giao của Bắc Kinh gần đây không đi cùng với bất cứ việc giảm xây dựng trái phép cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh trước phán quyết của PCA hé lộ việc Trung Quốc đang xây dựng bãi đáp cho 24 máy bay chiến đấu và từ 3-4 máy bay cỡ lớn hơn tại mỗi đảo trong số 3 đảo nhân tạo lớn nhất do Trung Quốc chiếm đóng: bãi Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi Xubi. Tất cả các nhà chứa máy bay đều đã hoàn thành. Các nước trong khu vực sẽ sớm thấy máy bay quân sự Trung Quốc triển khai với số lượng lớn, ít nhất là luân phiên, tại Trường Sa.
Ngoài ra, số lượng các tàu hải quân, hải cảnh, bán quân sự của Trung Quốc trong khu vực sẽ tiếp tục tăng bởi các cơ sở quân sự trên 3 đảo nhân tạo trái phép cho phép các phương tiện Trung Quốc tuần tra phía Nam có thể chạm tới “đường 9 đoạn” - điều mà Trung Quốc chưa làm được trước đây. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục xây dựng năng lực tình báo điện tử và do thám ra-đa, nâng cao khả năng kiểm soát, chặn tàu ngầm mọi nơi trong khu vực và triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến.
Không như Philippines và Malaysia, các quốc gia khác có vận mệnh tại Biển Đông nhận thức rõ điều này và đang chuẩn bị cho những căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc sử dụng những cơ sở quân sự mới của họ. Chuyên gia Poling cho rằng chính quyền Mỹ cũng cần chuẩn bị bởi cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ xảy ra, và vấn đề chỉ là thời gian.