Kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump không hề có kế hoạch với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong một số mũi nhọn mà ông nhắm tới thì Biển Đông cũng nằm trong danh sách. Vì thế biểu hiện của ông Trump là quyết chống Trung Quốc một cách ra mặt?
Một loạt các cường quốc trên thế giới đã được ông Donald Trump hỏi thăm. Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico bàn về chuyện bức tường biên giới, điện đàm với ông Putin bàn chuyện chống khủng bố, điện đàm với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức về NATO.
Tổng thống Mỹ cũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Trump cũng gặp mặt Thủ tướng Anh Theresa May khi bà đang ở Washington và ông tỏ ý ủng hộ phong trào Brexit ở Anh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Việc Tổng thống Mỹ chưa có kế hoạch nào cho một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình khiến giới quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ đang có những bước đi đối đầu một cách rõ ràng.
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã được phái đi Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ 2 tuần sau khi được bổ nhiệm cho thấy Washington đặc biệt chú ý đến các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, quanh Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã báo hiệu rằng, ông không bị ràng buộc bởi chính sách "một Trung Quốc", đồng thời nhiều lần lên án Trung Quốc Quân sự hóa Biển Đông.
Trước đó, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Australia, ông John Hennessey-Niland đã tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Tân Tổng thống Mỹ sẽ có chính sách ngoại giao mới, nhưng nước này vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo quyền lợi của Mỹ cũng như của các đồng minh.
Trong bài phát biểu, ông Hennessey-Niland nói rằng chính sách có thể thay đổi nhưng quyền lợi của Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không đổi, hứa hẹn những cuộc tập trận chung và mức độ chia sẻ tin tức sẽ gia tăng.
Theo chuyên gia về địa chính trị Giáo sư Dominique Moisi, Đại học King’s College (Anh), từ hàng chục năm nay, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á nhằm làm đối trọng với Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng câu hỏi được đặt ra, chính sách của ông Trump ở châu Á sẽ thay đổi ra sao và tác động thế nào tới Trung Quốc.
GS. Moisi cho rằng, tham vọng và sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc khiến các nước trong vùng cần có sự che chở của Mỹ nhiều hơn. Khúc mắc nằm ở chỗ vào lúc mà sự hiện diện của Trung Quốc đang lớn dần trong khu vực thì phía Mỹ lại bị “thu hẹp lại”. Đơn cử như việc Philippines buộc phải xích lại gần Trung Quốc khi hoài nghi về hào quang của Hoa Kỳ trong khu vực.
Việc ông Trump gián tiếp nêu lên khả năng ngưng dùng chiếc ô hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc, đã mở ra viễn cảnh đẩy châu Á lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Hay việc rút Mỹ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, hoặc xích lại gần với Đài Bắc, chọc giận Bắc Kinh cho thấy chính sách đối với châu Á của Tổng thống Trump đang rối mù.
Ông Trump nhắm tới Trung Quốc nhưng sẽ mạnh tay hay theo cách nào?
"Nước Mỹ của ông Trump muốn gì ? Họ muốn trông thấy các quốc gia trong khu vực này liên kết với nhau, để trong tương lai sẽ thành lập một Liên Hiệp, tương tự như mô hình của châu Âu hay, hay chỉ đơn giản là Washington phủi tay với châu Á?" - vị Giáo sư trả lời nhật báo kinh tế Les Echos.
Giáo sư Moisi cho rằng, trong mọi trường hợp, đường lối của Mỹ như thêm củi lửa cho tham vọng của Bắc Kinh. Có điều, chính sách cai trị với bàn tay sắt của Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cộng thêm với những đòn khiêu khích của Donald Trump ở Washington, có nguy cơ dẫn đến tai họa.
“Thất bại tương đối của chính sách xoay trục sang châu Á được chính quyền Obama khởi động, có nguy cơ trở thành một thực tế nguy hiểm hơn bội lần với Donald Trump” - vị chuyên gia nói.
Therealtz © VietBF