Mặc dù F-35 và F-22 được mệnh danh là tàng hình không thể phát hiện với số tiền đầu tư hàng nghìn tỷ USD, tuy nhiên, cho đến khi các tiêm kích này ra đời thì tiến bộ về công nghệ xử lý tín hiệu, kết hợp với các loại tên lửa có hệ thống dẫn đường chủ động và đầu đạn cỡ lớn có thể cho phép đối phương bắn hạ các máy bay tối tân này.
Tiêm kích thế hệ 5 có khả năng tàng hình tối ưu trước radar sóng ngắn, vốn được sử dụng cho hệ thống dẫn bắn và điều khiển hỏa lực của tên lửa phòng không. Tuy nhiên, chúng lại không thể ẩn mình trước những radar trinh sát sóng dài hoạt động ở dải tần VHF và UHF. Vấn đề là các radar sóng dài này lại không thể cung cấp tham số chính xác của mục tiêu như khoảng cách (tầm), hướng và độ cao để dẫn bắn cho tên lửa.
Mike Pietrucha, cựu sĩ quan tác chiến điện tử trên tiêm kích F-4G và F-15E Mỹ, cho biết một số loại radar sóng dài khó có thể xác định chính xác mục tiêu trong vòng 3 km. Những tiêm kích bay gần nhau có thể bị nhận dạng thành một mục tiêu lớn duy nhất. Độ chính xác thấp như vậy khiến radar sóng dài không thể dẫn bắn cho tên lửa.
Công nghệ xử lý tín hiệu đã giải quyết được vấn đề này từ những năm 1970. Quá trình xử lý tần số có thể "nén" xung radar và tăng độ chính xác. Khi được ứng dụng công nghệ này, loại radar Pietrucha mô tả đã tăng độ chính xác lên gấp nhiều lần, đủ khả năng định vị mục tiêu trong vòng 60 m.
P-18 là một trong các loại radar đời cũ có khả năng phát hiện tiêm kích tàng hình. Ảnh: Tetraedr .
Radar mảng pha (phase array radar) cũng giúp loại bỏ các hệ thống ăng ten cồng kềnh của radar sóng dài đời cũ. Chúng có thời gian phản ứng ngắn hơn, độ chính xác và tốc độ quét cao hơn nhiều. Bản thân hải quân Mỹ đã phát triển công nghệ này để tạo ra hệ thống tác chiến Aegis trên các tàu chiến lớp Ticonderoga và Arleigh Burke.
Khi sử dụng loại tên lửa có đầu đạn lớn, radar dẫn bắn không nhất thiết phải quá chính xác. Tổ hợp S-75 "Dvina" (NATO định danh: SA-2 Guideline) được trang bị tên lửa với đầu đạn nổ mảnh nặng 200 kg, tầm sát thương 60 m ở độ cao thấp hoặc 250 m ở độ cao lớn.
Với độ chính xác trong vòng 50-60 m, radar sóng dài có thể dẫn tên lửa tới đủ gần để gây hư hại, thậm chí tiêu diệt mục tiêu. Nếu tên lửa được trang bị đầu dò radar riêng như dòng 9M96 của Nga hay các tên lửa tầm nhiệt, chúng có thể tự phát hiện máy bay tàng hình khi ở khoảng cách gần, sau đó tự khóa mục tiêu với độ chính xác tối đa.
Cách duy nhất để chống lại nguy cơ từ radar sóng dài là tiêu diệt chúng bằng tên lửa hành trình hoặc máy bay chế áp phòng không (SEAD) trước khi lực lượng tiêm kích tàng hình tham chiến, chuyên gia Quân sự Dave Majumdar nhận định.
Các tên lửa dòng 9M96 được trang bị đầu dò radar chủ động tự tìm mục tiêu. Ảnh: Ausairpower.
Therealrtz©VietBF