Vietbf.com - Trung Quốc có thêm lý do để ăn mừng vì Bắc Kinh có thể "hất cẳng" Washington ở Mỹ Latinh, là nhờ ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ để cho cơ hội ông Tập Cận Bình sẽ thâu tóm 'sân sau' của Mỹ nhanh gọn hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng phu nhân Bành Lệ Viện đứng cùng Tổng thống Ecuador Rafael Correa (thứ hai từ phải) trong lễ đón tại sân bay Mariscal Sucre Airport ở Quito, Ecuador, hôm 17/11. (Ảnh: AP Photo/Ana Buitron)
Bắc Kinh "hất cẳng" Washington ở Mỹ Latinh
Gallagher nhận định, Mỹ Latinh đang trải qua giai đoạn kinh tế tăng trưởng tệ hại nhất kể từ "thập niên mất mát" vào những năm 1980. Dự kiến mức tăng trưởng năm nay sẽ là số âm.
Trong giai đoạn then chốt này, Mỹ lại đang rút dần hiện diện về nhiều mặt khỏi châu Mỹ Latinh. Thay chân Washington đang là "ông lớn" châu Á: Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nói sẽ đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời tuyên bố sẽ dựng lên một "hàng rào thuế quan" nhằm vào các ngành sản xuất của Mexico.
Quan trọng hơn, là lời hứa của ông Trump về một bức tường thực sự để trục xuất người Mexico và người Mỹ Latinh khỏi nước Mỹ, không có họ cơ hội trở lại.
Từ năm 2003 đến 2013, châu Mỹ Latinh đã được chứng kiến "bom tấn Trung Quốc", khi mức tăng trưởng kinh tế bình quân năm của khu vực đạt 3.6%, cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ thập niên 1970 đến nay.
Quặng sắt, đậu nành, dầu lửa, đồng và các hàng hóa khác được xuất sang Trung Quốc với tốc độ chưa từng thấy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi bộ cùng Phó tổng thống Peru Mercedes Araoz (trái) khi ông đáp xuống sân bay quốc tế Jorge Chavez ở Lima hôm 18/11 để dự hội nghị APEC. (Ảnh: AFP-JIJI)
Hồi cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Lima của Peru để dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đồng thời tiến hành một loạt cuộc gặp tại Ecuador, Peru, và Chile nhằm tiếp cận với người Mỹ Latinh trong "thời đại mới".
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh. Bắc Kinh còn có kế hoạch tăng cường giao thương với cam kết đến 2025 sẽ nâng quy mô thương mại hai chiều chạm mốc 500 tỉ USD, đầu tư đạt 250 tỉ USD.
Các đại diện Trung Quốc tháp tùng ông Tập Cận Bình cũng thảo luận với Ecuador về vấn đề cung ứng trang thiết bị hạ tầng cơ sở và đầu tư vào ngành năng lượng của quốc gia này.
Tập Cận Bình "tấn công quyến rũ"
Khi ông Trump còn đang mường tượng về bức tường ở biên giới với Mexico, thì trong một thập kỷ qua Trung Quốc đã liên tục xây cầu "theo đúng nghĩa đen" ở khắp Mỹ Latinh - Gallagher chỉ ra.
Theo điều tra chung của Trung tâm nghiên cứu quản trị kinh tế toàn cầu, thuộc ĐH Boston và Trung tâm nghiên cứu đối thoại châu Mỹ (Inter-American Dialogue), 2 ngân hàng phát triển của Trung Quốc đã cấp 125 tỉ USD tiền vốn cho các chính phủ Mỹ Latinh, nhiều hơn cả Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Mỹ (IADB) cộng lại.
Ngoài quan hệ tài chính hai chiều, Trung Quốc còn giúp thiết lập hàng loạt quỹ phục vụ cơ sở hạ tầng và công nghiệp của Mỹ Latinh, với số tiền khoảng 35 tỉ USD. Bắc Kinh cũng hào phóng "bơm" 5 tỉ USD khác cho Quỹ hợp tác Trung Quốc-Mỹ Latinh, thành lập năm 2014.
Đương nhiên, quan hệ song phương không phải lúc nào cũng toàn "màu hồng". Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình, nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ Latinh sụt giảm, kéo theo sự "lao dốc" của tỉ lệ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời kỳ bùng nổ của hàng tiêu dùng, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cùng các dòng vốn ngắn hạn từ phương Tây đổ về châu Mỹ khiến tỉ giá tăng lên nhanh chóng, từ đó làm tăng tốc quá trình phi công nghiệp hóa quá sớm ở khu vực.
Việc phát triển các hàng hóa phục vụ Trung Quốc cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và mâu thuẫn xã hội. Xung đột chủ yếu đến từ vấn đề nước, phân phối lợi ích và tương quan giữa các nhóm trong xã hội.
Lượng nước mà Mỹ Latinh tiêu thụ trong hoạt động thương mại với Trung Quốc gấp 10 lần tổng lượng nước phục vụ làm ăn với các khu vực khác trên thế giới.
Theo GS. Gallagher, Trung Quốc đang cố gắng không né tránh các mặt tiêu cực trong chuyến công du Mỹ Latinh của ông Tập Cận Bình, mà đang gia tăng tiếp xúc và mở rộng thêm các diễn đàn, quỹ tín dụng... để giải quyết các vấn đề tiêu cực do tình trạng kinh tế đình đốn và phi công nghiệp hóa mang lại.
Bắc Kinh cũng đề xuất thí điểm một số biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội mới tại Peru cùng các khu vực khác, nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
Trung Quốc thừa nhận các vấn đề tồn tại trong quan hệ với Mỹ Latinh, nhưng đã thiết lập hàng loạt cơ chế để xử lý.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump thực hiện như cam kết của ông khi tranh cử, thì sẽ không chỉ nền kinh tế Mỹ Latinh bị tổn hại. Một trong những mối quan hệ tốt nhất mà Mỹ có được cũng sẽ leo thang căng thẳng.