Tiết kiệm là một yếu tố rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Tiết kiệm điện lại càng quan trọng, bởi nếu ta tiết kiệm điện sẽ tạo điều kiện cho những nới thiếu điện được dùng. Bạn hãy chú ý đến những đồ dùng điện trong gia đình để giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, ví dụ như bếp điện, tủ lạnh.
1. Điều chỉnh nhiệt độ tốt nhất ở 7-8 độ C sẽ tốn ít điện hơn. Với tủ lạnh mới mua về, có thể chuẩn bị một nhiệt kế, đặt vào một ngăn trong khoang giữ lạnh. Sau khi đã đặt đồ ăn vào rồi mới bắt đầu điều chỉnh độ lạnh, nên điều chỉnh 2-3 lần để tiến dần tới nhiệt độ tốt nhất (thường là 7-8oC). Đây là nhiệt độ thích hợp nhất. Nếu cứ giữ mãi ở khoảng trên dưới 5oC, so sánh với để ở 8oC thì vào mùa nóng điện phải hao hơn 1kW. Nếu là tủ lạnh có 2 cửa nhiệt độ buồng đông lạnh ở mức -180C là đủ để nước đóng băng. Nếu dùng -18oC thay cho –22oC thì mỗi tháng bạn tiết kiệm được trên dưới 25% điện.
2. Khi thực phẩm cần giữ chỉ chiếm một diện tích nhỏ buồng giữ lạnh, bạn có thể đem những miếng nhựa xốp chứa đầy vào buồng giữ lạnh, từ 1-2 ngăn. Tính dẫn nhiệt của nhựa xốp rất kém, hầu như không hút khí lạnh bên trong tủ. Làm theo cách trên, dung tích ban đầu của tủ lạnh bị thu nhỏ lại, làm cho thời gian làm việc của bộ phận chế lạnh được trút ngắn, tất nhiên là điện sẽ được tiết kiệm.
3. Mỗi khi mở cửa tủ để lấy thực phẩm ra dùng, không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng ở bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ bên trong tủ cao lên, làm tăng thời gian hoạt động của bộ phận nén, do đó làm hao điện và làm các chi tiết bị mài mòn hơn.
Bạn có thể dùng một mảnh ny lon trong, to hơn cửa của khoang giữ lạnh một chút làm rèm che để ngăn cản sự đối lưu giữa hai luồng không khí trong và ngoài. Làm thế vừa tiết kiệm vừa là bảo vệ máy.
4. Khi đồ ăn được mua về với số lượng lớn, bạn hãy chọn một ít cho vào buồng lạnh. Khi lấy thực phẩm ở buồng giữ lạnh ra dùng, bạn hãy mang đồ ăn đã kết đông từ buồng đông lạnh chuyển xuống buồng giữ lạnh. Nếu đồ ăn này vẫn chưa dùng đến lại cho trở lại buồng đông lạnh. Cứ làm như thế nhiều lần, buồng giữ lạnh không cần nhờ vào sự hoạt động của thiết bị chế lạnh cũng giảm được nhiệt độ.
5. Tủ lạnh cần phải để vào chỗ thông gió, thoáng mát. Bởi vì, nhiệt độ không gian càng cao, nhiệt lượng truyền vào tủ càng nhiều, càng tản nhiệt chậm, điện càng hao nhiều hơn. Cố gắng hạn chế số lần mở cửa tủ lạnh. Mở càng nhiều, lượng điện tổn hao sẽ càng nhiều hơn. Muốn không khí lưu thông xung quanh tủ lạnh và để chống ẩm, bạn có thể kê tủ cách mặt đất hơn 5cm.
6. Không được chất quá đầy vào tủ. Giữa các đồ ăn cần phải chừa ra một khoảng cách để khí lạnh có thể đối lưu, lượng điện tổn hao sẽ giảm xuống.
7. Nước nóng, rau nóng, cơm nóng phải để nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh. Nếu cho vào khi còn nóng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm điện hao nhiều hơn.
8. Nên dùng đồ đựng bằng kim loại thay cho đồ nhựa. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều những hộp đựng bằng nhựa chuyên dụng cho tủ lạnh. Loại hộp này có ưu điềm là nhẹ sạch sẽ và giá lại rẻ do tính năng dẫn lạnh của nó rất kém nên thời gian làm lạnh sẽ dài ra. Nếu dùng đồ đựng bằng nhôm hay thép không rỉ thì thời gian làm lạnh sẽ được rút ngắn, điện được tiết kiệm hơn.
9. Khi mua, chọn tủ có màu sáng vì màu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, trên thị trường bây giờ cung cấp nhiều loại tủ có khả năng tiết kiệm điện rất tốt. Để “nhận diện” tủ lạnh tiết kiệm điện, người mua phải dựa vào công nghệ nhà sản xuất áp dụng hoặc các tính năng hoạt động tiện ích hơn của chúng. Các thông tin này được cung cấp đầy đủ ngay trên bề mặt sản phẩm hoặc tờ hướng dẫn của nhà sản xuất.
10. Thường xuyên vệ sinh máy, các bụi bẩn bám và tích tụ vào bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc… làm trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, làm máy chậm lạnh. Với lưới lọc bụi, vệ sinh khoảng một tháng/lần. Bạn có thể tự làm, tháo ra và rửa sạch bằng bàn chải và xà bông. Khoang chứa nước do quá trình làm lạnh tạo ra (thường nằm phía đáy, mặt sau của tủ lạnh) cũng cần thường xuyên được đổ đi. Nước này thường có cặn bẩn, thậm chí có cả xác côn trùng trong nhà rơi vào. Nếu để nước quá đầy có thể gây tràn, chập mạch hoặc gây rò điện mà chủ nhân không biết, vì thế hao điện hơn.
11. Hàng năm, nên tiến hành kiểm tra lượng gas làm lạnh của máy, nếu thiếu gas (khiến cho hiệu quả làm lạnh giảm, máy vẫn phải làm việc liên tục) phải bổ sung kịp thời.
12. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là có nên tắt, bật tủ lạnh liên tục không? Nếu sử dụng lâu (thường là trên 3 ngày), không nên ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện. Bạn nên cắm điện cho tủ lạnh suốt ngày vì mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp lâu ngày không dùng đến tủ thì ngắt nguồn điện nhưng cần dọn sạch các đồ có trong tủ, vệ sinh tủ và để tủ khô rồi dùng vật phủ che bụi phủ lên.