Thông qua các nghiên cứu và mô hình dựng, các nhà khoa học đã dựa vào các vết gãy trên bộ xương hóa thạch của tổ tiên loài người đã phát hiện ra, rất có thể tổ tiên của loài người đã chết do bị ngã cây. Phát hiện này được cho là đã làm thay đổi những quan điểm xưa cũ về nguyên nhân qua đời của tổ tiên loài người.
Theo Independent, các nhà khoa học nghiên cứu về vượn người cái Lucy bằng công nghệ chụp cắt lớp vi tính với độ phân giải cao và phát hiện vết gãy ở phần xương cánh tay phải của hóa thạch, một đặc điểm rất hiếm gặp.
"Vết thương phù hợp với cú ngã từ trên cao khi nạn nhân vươn một tay ra để giảm bớt tác động trong lúc rơi. Khi chạm đất, cánh tay chống xuống đất và gây ra vết gãy. Va chạm giữa các bộ phận ở vai tạo ra dấu vết đặc trưng ở xương cánh tay", John Kappelman, tiến sĩ địa chất và nhân chủng học ở Đại học Texas, Mỹ, cho biết.
Kết quả chụp cắt lớp cho thấy nhiều phần xương gãy không có dấu hiệu phục hồi. Do đó, tiến sĩ Kappelman đưa giả thuyết vết thương xuất hiện tại thời điểm Lucy qua đời.
Hóa thạch nguyên vẹn của Lucy được khai quật ở vùng Afar, Ethiopia năm 1974. Đây là một phát hiện quan trọng, từ đó các nhà khoa học xác định tổ tiên con người cổ đại có dáng đi thẳng đứng từ trước khi tiến hóa với bộ não lớn.
Lucy thuộc chủng vượn người nguyên thủy Australopithecus afarensis. Đây là chủng người sớm nhất sống cách đây 3-4 triệu năm ở châu Phi. Người cổ đại như Lucy có dáng đi thẳng và sử dụng cánh tay dài để trèo cây. Các nhà khoa học cho rằng Lucy chết khi còn rất trẻ.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Texas hoàn thành lần chụp cắt lớp vi tính đầu tiên trên bộ xương hóa thạch của Lucy năm 2009. Sau đó, họ bắt đầu nghiên cứu dựa 35.000 lát cắt điện tử. Trong nghiên cứu công bố trên ấn bản tháng 8 của tạp chí Nature, tiến sĩ Kappelman suy đoán Lucy cao khoảng 109 cm, rơi từ độ cao ít nhất là 1,2 mét với vận tốc 56 km/h.
Theo tiến sĩ Kappelman, phát hiện này giúp các nhà khoa học hiểu thêm về chủ nhân của bộ xương. "Khi lần đầu tiên quan sát các vết thương của Lucy, hình ảnh cô ấy hiện lên trước mắt tôi. Vượt qua khoảng cách không gian và thời gian, tôi thấy thương cảm cho cô ấy. Lucy không chỉ là một bộ xương. Nó trở thành một cá nhân có thật, một con người nằm vô vọng dưới gốc cây", Kappelman chia sẻ.