Đôi lúc bạn cảm thấy choáng váng đầu óc và cho rằng đó là do mình đói hay thay đổi thời tiết. Nào ngờ đấy có thể là dấu hiệu cho biết trước một lúc nào đó bạn sẽ bị đột quỵ. Khi có cơn thiếu máu não thoảng qua, bạn sẽ có nguy cơ cao xuất hiện đột quỵ.
Thế nào là cơn thiếu máu não thoảng qua (TIA)?
TIA có triệu chứng giống đột quỵ kéo dài một vài phút và thường dưới 1-2 giờ. Gây ra bởi lấp mạch do cục huyết khối nhỏ (cục huyết khối được hình thành từ các mảnh calcium và mảng chất béo) gây nghẽn mạch máu đến não.
Xảy ra nhanh và hồi phục nhanh do tắc nghẽn tạm thời nguồn cung cấp máu đến não, TIA không gây tổn thương sau đó, nhưng nó là một dấu hiệu cảnh báo nhồi máu não thật sự có thể xảy ra trong tương lai nếu không được phòng ngừa.
TIA cần được điều trị như đột quỵ. Khoảng 10-15% bệnh nhân có TIA sẽ có đột quỵ trong vòng 3 tháng, và một nửa nhóm đột quỵ này xảy ra trong 48 giờ sau TIA.
Tử vong do đột quỵ chỉ đứng sau bệnh tim và ung thư
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do đột quỵ não đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và ung thư.
Những người thoát khỏi tử vong thường bị di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội… do chi phí điều trị quá lớn; đầu tư thời gian, tiền của cũng như đòi hỏi về kỹ thuật y học cao; khả năng hồi phục thấp khiến người bệnh mất khả năng lao động và phải có người chăm sóc thường xuyên.
Trong khi tuổi cao là yếu tố nguy cơ không can thiệp được, hầu hết những người bị đột quỵ có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ. Cụ thể là:
Tuổi: Yếu tố nguy cơ đột quỵ của tất cả mọi người là tuổi, đặc biệt những người cao tuổi có bệnh kết hợp như huyết áp cao, đái tháo đường hoặc có lối sống tĩnh tại, ít vận động, thừa cân, hút thuốc lá.
Tuổi lớn cũng có nguy cơ cao sa sút trí tuệ sau đột quỵ. Tuy nhiên hiện nay do lối sống cũng như tình trạng ăn uống không hợp lý, đột quỵ não xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn rất nhiều. Đột quỵ có thể xảy ra trong tất cả các nhóm tuổi không chỉ tuổi cao, và thường xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.
Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình về đột quỵ hay TIA là yếu tố nguy cơ rõ rệt của đột quỵ.
Lối sống: Những người hút thuốc 1 gói một ngày có nguy cơ gấp đôi so với người không hút thuốc. Chế độ ăn không có lợi cho sức khoẻ (chất béo bão hoà, nhiều muối) có thể góp phần gây bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì - những yếu tố nguy cơ cao cho đột quỵ.
Thiếu sự tập luyện điều đặn có thể làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường, và suy tuần hoàn, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiện rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiện ma tuý, đặc biệt là cocaine hay methamphetamine, là một yếu tố lớn gây đột quỵ ở người trẻ.
Thuốc tránh thai dùng kéo dài cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch não ở các phụ nữ trẻ tuổi.
Bệnh tật: Những người mắc bệnh tim và van tim; Tăng huyết áp; Tăng cholesterol; Rung nhĩ; Đái tháo đường; Béo phì và hội chứng chuyển hoá… đều có nguy cơ cao bị đột quỵ.
Biến chứng lâu dài
Theo PGS Hoàng Ngọc, hầu hết những bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ để lại di chứng. Tuy nhiên những di chứng này có thể cải thiện tốt nếu được phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp và có kế hoạch tập luyện bài bản phù hợp trong 3 tháng sau đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ tái phát cao nhất ở những tuần và tháng đầu tiên sau đột quỵ lần đầu. Tuy nhiên khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ lần đầu sẽ có đột quỵ tái phát trong vòng 5 năm.
PGS Ngọc khuyến cáo, những người có nguy cơ, hay người chăm sóc những người có nguy cơ đột quỵ nên nhận biết được các triệu chứng điển hình.
Người chứng kiến đột quỵ nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm sau khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo. Đặc biệt cần chú ý tới người bị chứng đau nửa đầu, đau đầu nhiều, có triệu chứng chóng mặt kéo dài, tê bì tay chân một bên người.
Bệnh nhân có biểu hiện cơn thiếu máu não thoảng qua phải được chẩn đoán và điều trị tốt để dự phòng đột quỵ.
vietbf @ sưu tầm