Để có thể đưa ra những dự báo về tình hình Trái đất quanh năm, các nhà nghiên cứu đã phải sống ở một trạm nghiên cứu tận cùng Trái đất – Bắc Cực. Ở trạm nghiên cứu này, không chỉ có cái lạnh -58 độ C khiến họ mệt mỏi mà gấu cũng chính là động vật mà họ thường xuyên gặp.
Thị trấn Ny-Ålesund ở Bắc Băng Dương được xem là vùng đất có người sinh sống gần cực Bắc nhất. Trước đây, thị trấn nằm trên quần đảo Svalbard của Na Uy chuyên khai thác mỏ, nhưng giờ đây nó là trạm nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu sống ở đây tiến hành các nghiên cứu về môi trường Trái Đất quanh năm.
Để giữ gìn môi trường tự nhiên xung quanh, chính quyền địa phương cấm người dân đến khu vực này, trừ các nhà khoa học và nhân viên trạm nghiên cứu. Phóng viên ảnh Anna Filipova được cấp phép đến trạm nghiên cứu xa xôi này, theo Business Insider.
"Tôi rất ngạc nhiên và bối rối khi biết mình phải vượt qua một khóa học an toàn về súng trước khi đến nơi này, phòng trường hợp chạm trán gấu Bắc Cực", Filipova cho biết. Gấc Bắc cực cư trú và sinh sản ở Svalbard, theo Viện Địa cực Na Uy. Vào mùa hè, những con gấu thường đến gần và thậm chí đi vào khu nghiên cứu.
Bất chấp môi trường khắc nghiệt và nguy cơ từ gấu Bắc Cực, Filipova trở về an toàn từ Ny-Ålesund với những bức ảnh tuyệt đẹp trong bộ ảnh mang tên "Nghiên cứu ở nơi tận cùng thế giới".