Thời gian trước đây, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đơn phương các phương tiện đánh bắt cá được hoạt động trên Biển Đông. Bởi thế, khi chính quyền nước này quyết định gỡ bỏ lệnh cấm, hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc đang chuẩn bị đổ ra Biển Đông.
Hàng chục nghìn tàu cá tại ba tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và đang chờ lệnh cấm đánh bắt cá hết hiệu lực để tiến vào Biển Đông, Chinanews cho biết. Trung Quốc hồi tháng 5 đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bão Nida đang tiến vào Biển Đông, chỉ những tàu đánh bắt gần bờ mới ra khơi trưa 1/8. Những tàu đánh bắt xa bờ sẽ khởi hành sau ngày 5/8.
Khu vực biển Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn nước khác. Trong thời gian áp đặt lệnh cấm, Trung Quốc tuyên bố tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm".
Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, kiên quyết bác bỏ quyết định vô giá trị này.
"Việc làm này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 17/5 khẳng định.