Thớt là vật dụng không thể thiếu trong bếp của nhiều gia đình. Không phải nhà nào cũng biết cách sử dụng và vệ sinh bếp đúng cách. Sử dụng không đúng cách, thớt sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, gây hại sức khỏe.
Bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại trong đó có E.coli. Theo Dailymail, những chiếc thớt gỗ có thể chứa nhiều vi khuẩn gấp 200 lần nhà vệ sinh nhất là khi sử dụng không đúng cách hoặc dùng trong thời gian quá lâu.
Thớt có chất lượng kém
Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Tuy nhiên chúng lại có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn.
Ngoài ra, khi dùng thớt để cắt thức ăn thì nước, thực phẩm sẽ dễ đi theo thớ gỗ, thẩm thấu vào bên trong, khó làm sạch. Nếu bạn tiếp tục cắt thức ăn thì các mùn gỗ sẽ bong lên, trộn lẫn vào thực phẩm sạch, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn.
Sử dụng 2 mặt thớt
Hầu hết chúng ta thường sử dụng hai mặt của thớt. Đây là sai lầm phổ biến. Trên thực tế, các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp là nơi rất bẩn. Khi đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng đã bám vào, do vậy, bạn chỉ nên sử dụng một mặt và tách riêng thớt dùng cho thực phẩm sống, chín.
Không chà rửa thớt đúng cách sau khi sử dụng
Sau khi sử dụng thớt, nhiều người thường chỉ rửa sạch bằng mắt thường sau đó treo khô thớt lên. Tuy nhiên, việc làm này có thể khiến cả nhà bị ngộ độc hoặc nhiều bệnh nghiêm trọng khác. Do đó, thay vì rửa thớt ở vòi nước lạnh, nên chuyển sang rửa từ vòi nước ấm hoặc nóng. Sau khi rửa xong nếu để thớt nằm ngang sẽ khiến cho nước thấm sâu vào thớt, khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Không thay thớt sau thời gian sử dụng
Thông thường sau thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ bị đan chéo nhiều vết cắt, lâu ngày thức ăn giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Do đó, với thớt dùng cho thức ăn chín, khoảng từ 6-8 tháng, bạn nên thay một lần.
vietbf @ sưu tầm