VBF-Bênh tiểu đường tại Vn đang ngày càng nhiều người mắc phải và nguy cơ biến chứng của căn bệnh này là rất khó lường nhất là khi bệnh nặng.Sau đây là 1 vài lưu ý mà bạn cần ghi nhớ để tránh những sự việc đáng tiếc.
Biến chứng của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, nó có thể dẫn tới mù lòa, tàn phế, thậm chí gây tử vong. Vì thế, mỗi người cần lưu tâm trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt cá nhân để phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Theo Vietnamnet, tiểu đường tuýp 1 là khi cơ thể không có khả năng sản xuất insulin và chỉ chiếm khoảng 5% bệnh nhân tiểu đường. Tiểu đường tuýp 2 là cơ thể không có khả năng đáp ứng với insulin đúng cách và tỷ lệ này chiếm hơn 90% số bệnh nhân mắc bệnh. Đặc biệt ở tiểu đường tuýp 2 là các triệu chứng có thể ủ trong nhiều năm trước khi chúng ta nhận ra nó.
Những dấu hiệu có thể nhận biết nguy cơ tiểu đường yêu cầu chúng ta nhanh chóng đi khám và làm các xét nghiệm quan trọng đã được các chuyên gia y tế chỉ rõ như khát nước, cơ thể mệt mỏi, giảm cân, vết thương lâu lành, giảm thị lực,...
Một trong những yếu tố nguy cơ khá rõ là khát nước. Bình thường nếu khát nước có nghĩa là cơ thể chúng ta đang thiếu nước. Nhưng nếu khát nước quá mức là điều không bình thường và có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.
Trí thức trẻ cho biết them, bệnh nhân tiểu đường hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nấm, nhiễm trùng da… do hệ thống miễn dịch bị ức chế và lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể.
Các dấu hiệu da xấu đi, cảm giác ngứa ran, tê, sưng hay đơn giản là thường xuyên đi tiểu đêm, khả năng thị giác kém đi cũng là những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để chúng ta nghĩ đến bệnh tiểu đường và cần đi làm xét nghiệm, sàng lọc định kỳ.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
- Chứng khát nhiều hoặc khát thường xuyên, hoặc đột nhiên khát.
- Hay đi tiểu thường xuyên
- Đói thường xuyên hoặc đột nhiên đói
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Khô miệng hoặc ngứa khắp cơ thể
- Sụt cân đột ngột
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
1. Tổn thương thần kinh
Bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi: làm thay đổi cảm giác, giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân nên bàn chân dễ bị tổn thương gây loét có thể làm nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
2. Tổn thương thận
Do hàm lượng đường trong máu luôn cao gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng quan trọng lọc, bài tiết của thận và suy thận.
3. Tổn thương mắt
Những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt gây ra tổn thương dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà.
4. Bệnh lý mạch máu và tim
Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp. Bệnh nhân rất dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong. Theo các số liệu thống kê cho thấy 65 % tỉ lệ tử vong ở bệnh tiểu đường là do tai biến mạch máu.
5. Nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận…
Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn các biến chứng trên nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu.
Những lưu ý cho người mắc bệnh tiểu đường
- Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn hãy quên đi những món đồ ăn khoái khẩu như nước ngọt, đồ ăn nhanh hay bánh ngọt vì chúng chính là kẻ thù tiềm ẩn của bạn. Hãy kết bạn với những thực phẩm nhiều chất xơ và vitamin như rau củ, hoa quả, và sử dụng gạo hay ngũ cốc để hạn chế sự hấp thu nhanh của đường.
- Đừng quên vệ sinh cá nhân và soi gương mỗi ngày không phải để làm đẹp mà nhằm phát hiện các tổn thương trên cơ thể như vết đỏ, vết lở loét, những dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường.
- Một chiếc máy đo đường huyết sẽ là người bạn tốt nhất của các bệnh nhân tiểu đường. Hãy sử dụng thiết bị hàng ngày để theo dõi lượng đường trong máu.
- Ngay cả khi bạn yêu thể thao, hãy chỉ duy trì hoạt động thể lực ở một mức độ cho phép. Hãy tập những môn nhẹ nhàng và rèn luyện sự dẻo dai như đi bộ, dưỡng sinh, đạp xe hay bơi lội. Bởi nếu hoạt động quá mạnh, đội quân đường huyết trong bạn sẽ tăng lên hoặc hạ xuống đột ngột, khiến bạn gặp biến chứng khó lường.
Và cuối cùng, điều quan trọng là thường xuyên đi khám và tuân thủ nghiêm túc chế độ điều trị của bác sỹ bởi khi đó, bác sỹ chính là những người hiểu rõ nhất căn bệnh của bạn.
|