Bạn hẳn là đã gặp những cháu bé xung quanh mình bị đau đớn vì bỏng. Bạn đã biết xử lý thế nào chưa? Hãy nhớ những kiến thức sau đây để áp dụng vào cuộc sống nha!
Trẻ bị bỏng nước sôi cha mẹ cần sơ cứu khẩn cấp ngay tại chỗ trước khi đưa trẻ tới bệnh viện. Đặc biệt, các mẹ cần tránh sử dụng các phương pháp điều trị bỏng dân gian tránh khiến vết thương bị nhiễm trùng.
Trong cuộc sống hàng ngày có vô số tình huống xảy ra khiến trẻ bị bỏng. Trong đó, bỏng nước sôi là một trong những dạng bỏng nguy hiểm nhất.
Trẻ có thể bị bỏng ngay khi có người lớn đứng bên cạnh. Khi bạn đang nấu ăn, chỉ một bất cẩn nho nhỏ cũng khiến trẻ bị bỏng vì nồi canh nóng.
Hoặc phích nước bạn mới đun xong chưa kịp cất vào chỗ kín, trẻ đùa nghịch chạy quanh nhà cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng…
Trong những trường hợp đó các bậc cha mẹ cần nhanh chóng sơ cứ tại chỗ trước khi đưa trẻ tới trung tâm y tế. Vậy sơ cứu như thế nào mới đúng cách?
Bỏng da ở trẻ em là tình trạng tổn thương da và mô mềm do tiếp cận với chất cháy, nước sôi. So với người lớn bỏng trẻ em thường lâu lành và dễ đưa đến co rút, biến dạng sau khi lành, gây di chứng trầm trọng kéo dài. Bỏng ở trẻ em rất nguy hiểm do sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ bị bội nhiễm. Do vậy, dù chỉ là vết bỏng nhẹ nhưng nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời có thể gây hoại tử hoặc tử vong do nhiễm trùng.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi:
Theo báo VnExpress, việc cần làm ngay khi bé bị bỏng là:
- Chặn đứng tác hại của nhiệt. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương.
- Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da.
- Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt.
- Tiếp tục biện pháp làm mát vết bỏng bằng nước sạch trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn cũng có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối.
- Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương.
- Trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (paracetamol) nếu cần.
- Nhanh chóng làm mát vết bỏng bằng nước mát sạch trong vòng 20 phút là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Băng vết thương cho trẻ
Sau khi sơ cứu cho trẻ xong, bạn cần băng vết bỏng bằng gạc vô trùng. Một nhược điểm của băng gạc thông thường là cho phép tổ chức hạt mới hình thành tại vết thương mọc xuyên qua khe hở của gạc, gây bám dính. Vì vậy, việc thay băng nhiều khi trở nên khó khăn và rất đau đớn đối với trẻ.
Cố gắng tháo bỏ băng gạc có thể gây tổn thương da, khiến vết thương lâu lành. Băng tulle gras giúp khắc phục tình trạng này. Đây là một loại băng làm từ vật liệu đặc biệt, được tẩm thuốc, không bám dính vào bề mặt vết thương. Nó giúp duy trì độ ẩm, đẩy nhanh quá trình lành vết thương và giúp việc thay băng trở nên dễ dàng, không đau đớn.
- Hãy đặt một tấm băng tulle gras lên lớp kem, trước khi đắp băng gạc vải. Nếu vết thương tiết dịch nhiều, có thể lót thêm một lớp bông trên lớp gạc vải. Sau đó dùng băng chun băng vùng bị tổn thương. Tính từ trong ra ngoài, cần băng theo thứ tự: kem kháng khuẩn, gạc tull gras, gạc vô trùng, bông và cuối cùng là băng chun.
- Kéo căng da để phòng ngừa vết bỏng co rút và hạn chế vận động sau này. Thông thường, khi da bị bỏng, phần da lành xung quanh bắt đầu co cụm lại, o ép vùng da bị bỏng. Nếu vết bỏng nằm ở phần cơ thể thường bị co giãn nhiều (ví dụ da lòng bàn tay và ngón tay), nguy cơ co rút sẽ lớn. Hãy thực hiện các bài tập kéo căng vùng da xung quanh vết bỏng khoảng 10 lần mỗi ngày, mỗi lần một phút. Điều này giúp ngăn ngừa sự co rút vết bỏng gây khó khăn cho vận động sau này.
- Khi phần da bị bỏng bong ra, có thể nhìn thấy một lớp da mới màu đỏ nằm ở dưới. Lớp da này sẽ dần chuyển sang màu hồng. Khi này bạn có thể ngừng bôi thuốc và không phải băng vết thương nữa - Bác sĩ nhi khoa Trần Thu Thủy chia sẻ với VnExpress cho biết.
Khi nào cần đến bệnh viện?
- Một cánh tay hoặc cả đùi bị bỏng.
- Bỏng các phần quan trọng như phần đầu, phần khớp, phần xương chậu.
- Bỏng sâu vào trong da.
- Trẻ bị hôn mê, thở gấp.
Khi tình hình nguy cấp nên dùng khăn bông ướt hoặc gạc đã qua khử trùng lau thân thể của trẻ sạch sẽ và lập tức đưa đến viện – Theo báo Gia đình Việt Nam.
Khi bị bỏng có phải ăn kiêng gì không?
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, bỏng không cần ăn kiêng. Những quan điểm trong nhân dân phải ăn kiêng thức ăn như thịt bò, thịt gà (sợ co gân) hoặc kiêng rau muống (sợ sẹo lồi), cơm nếp (sơ sẹo dính)... đều chưa chính xác. Việc tạo sẹo lồi hay dính, co kéo, việc có nốt phổng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nông sâu của bỏng và điều trị khi bị bỏng. Khi bỏng sâu bàn tay nếu không luyện tập sẽ rất dễ gây dính hoặc co kéo bàn ngón tay. Khi bị bỏng, nhất là khi diện tích rộng còn gây mất nước điện giải, chất đạm... Do vậy, cần ăn theo chế độ bồi dưỡng như khi bị ốm. Cần ăn đủ chất, tăng cường chất đạm, vitamin (đặc biệt có trong hoa quả tươi).