Căn bệnh sạn thận rất nguy hiểm, nhiều hơn bạn nghĩ. Bạn nên uống nhiều nước và ăn ít những thứ "cứng" như những loại hạt. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
Một nghiên cứu mới cho thấy sỏi thận đang gia tăng và đáng ngạc nhiên là bệnh tấn công sang 2 đối tượng ít có nguy cơ hơn là trẻ em và phụ nữ.
Ăn nhiều muối có thể gây sạn thận – Ảnh: Shutterstock
Sau đây là những thông tin xung quanh căn bệnh đang gia tăng này do tiến sĩ Samadi, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu và là giáo sư về tiết niệu tại Trường Y Hofstra North Shore-lij (Mỹ) chia sẻ trên Foxnews ngày 24.2.
Sạn thận là gì?
Sạn thận là một trong những rối loạn thường gặp nhất ở đường tiết niệu. Sạn thận nhỏ, cứng, được kết tinh từ muối khoáng và axit bên trong thận. Nước tiểu đào thải chất thải trong đó bao gồm các hóa chất khác nhau bao gồm canxi, oxalat, urat, cystein, xanthine và phosphate. Khi nước tiểu quá đặc, có nghĩa là có quá nhiều chất thải và quá ít chất lỏng, tinh thể bắt đầu phát triển. Dần dần, các tinh thể có thể nối lại với nhau và tạo thành một tinh thể rắn lớn.
Nguyên nhân gây sỏi thận
Không có nguyên nhân cụ thể nào gây ra bệnh sỏi thận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều loại sỏi thận và có thể giúp xác định nguyên nhân sỏi thận. Ví dụ, sỏi canxi là hình thức phổ biến nhất của sỏi thận. Sỏi thận oxalate được tạo thành oxalat, một loại chất tự nhiên có trong thực phẩm. Do đó, những người ăn nồng độ oxalate cao có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Và sỏi acid uric thường hình thành ở những người không uống đủ nước hoặc ăn một chế độ ăn giàu đạm.
Cách cơ thể xử lý sạn thận
Việc điều trị sạn thận thường phụ thuộc vào kích thước của nó. Nếu sạn thận nhỏ hơn 4 mm đường kính, nó có thể đi ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Uống nhiều nước (ít nhất 2-3 lít một ngày) và uống thuốc kê toa của bác sĩ có thể giúp sạn thận ra ngoài. Sạn thận lớn hơn khó ra ngoài qua đường nước tiểu và có thể cần phải điều trị xâm lấn như phẫu thuật hay sóng chấn động tán sỏi.
Ai có nguy cơ cao mắc sạn thận?
Các yếu tố nguy cơ bị sạn thận bao gồm trên 40 tuổi, nam giới, uống quá ít nước, tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít, béo phì, phẫu thuật giảm cân, các bệnh tiêu hóa, và chế độ ăn nhiều muối, đạm hoặc đường – đặc biệt là fructose . Có tiền sử gia đình mắc bệnh sạn thận cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển sạn thận. Hơn nữa, nếu bạn từng bị sạn thận, bạn có nguy cơ mắc lại.
Cách ngăn ngừa sạn thận
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sạn thận là thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống. Điều quan trọng là phải luôn luôn uống nhiều nước, ít nhất 6-8 ly một ngày. Uống nhiều nước có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển sạn thận. Ngoài ra, không nên nín tiểu. Ăn ít thực phẩm giàu oxalate, chẳng hạn như sô cô la, thực phẩm từ đậu nành, đậu bắp, củ cải, khoai lang, trà và các loại quả hạch. Ngoài ra, nên ăn ít các loại thực phẩm giàu chất đạm, muối…
Ngọc Lam
Theo Thanhnien