Với tình trạng lười sinh con của phụ nữ Hàn Quốc, nước này đang dần trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới với độ tuổi trung bình là 50. Chính quyền nước này đang lo lắng và đẩy mạnh chiến dịch khuyến khích sinh con có thưởng lớn để kéo thấp độ tuổi trung bình và tăng dân số. Chứ với tình trạng như hiện nay thì xứ sở kim chi có nguy cơ sẽ tuyệt chủng hoàn toàn vào năm 2750.
Lời cảnh báo trên vừa được Viện Lão hoá toàn cầu đưa ra. Theo đó, đa phần phụ nữ Hàn Quốc hiện đại đều buộc phải lựa chọn giữa việc phấn đấu cho một sự nghiệp lâu bền hay ở nhà sinh con.
Thu nhập của phụ nữ Hàn Quốc chỉ bằng 65% so với thu nhập của nam giới. Điều này đặt quốc gia Đông Á ở vị trí thứ 115 (trên tổng số 145) trong bảng xếp hạng Chỉ số khoảng cách Giới của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015.
Con số trên thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn nếu so sánh một người phụ nữ trước và sau khi sinh con. Cuộc khảo sát năm 2012, lấy đối tượng chính là thiếu niên 15 tuổi cho thấy các bé gái Hàn Quốc có tham vọng sự nghiệp và địa vị lớn hơn các bé trai. Ở độ tuổi 20, phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng cao hơn nam giới. Tuy nhiên sang tới tuổi 30, rất nhiều phụ nữ tạm rời bỏ công việc để tập trung cho gia đình. Khi trở lại ở độ tuổi 40 họ có xu hướng lựa chọn những công việc ít cạnh tranh hơn.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn tập trung cho sự nghiệp thay vì lập gia đình.
Văn hoá công sở cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc tham gia lực lượng lao động của phụ nữ. Vươn lên từ một đất nước nghèo đói thành cường quốc kinh tế thế giới, Hàn Quốc vốn nổi tiếng về sự khắc nghiệt nơi làm việc. Ngoài số giờ làm dài thứ ba trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới OECD, nhân viên cổ cồn trắng nơi đây còn có "tục" tụ tập cùng đồng nghiệp sau mỗi giờ làm.
Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn không kết hôn hoặc sinh con.
Bình đẳng giới nơi làm việc
Theo ông Richard Jackson, Chủ tịch Viện lão hoá toàn cầu, khủng hoảng nhân khẩu của Hàn Quốc không thể chỉ được giải quyết bằng những "sinh hoạt tình dục" mỗi đêm mà cần có sự thay đổi căn bản về bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Ông Jackson chỉ ra hai mô hình đang được áp dụng hiệu quả tại các nước phát triển.
Thứ nhất là mô hình "nhà nước bảo mẫu" ở Pháp và Thuỵ Điển. Ở những nước này, phụ nữ được đảm bảo việc làm nếu nghỉ thai sản. Bình đẳng giới còn thể hiện ở điểm bên cạnh chế độ thai sản của người vợ, người chồng cũng được hưởng phép nghỉ của cha (paternity leave). Tại Pháp, chính phủ cung cấp "trợ cấp gia đình" nếu công dân sinh thêm con. Những đứa trẻ sẽ được học tại nhà trẻ công và không có bất kỳ sự kỳ thị xã hội nào dành cho người mẹ khi họ trở lại với công việc.
Một mô hình khác là mô hình "lao động linh hoạt" của Mỹ. Mô hình này cho phép những người mẹ dễ dàng hoà nhập lại với lực lượng lao động bằng nhiều sự lựa chọn khác nhau như làm việc bán thời gian hay tiếp tục sự nghiệp học vấn bằng các khoá học qua mạng.
Theo ông Jackson, mô hình "nhà nước bảo mẫu" phù hợp hơn với tình trạng của Hàn Quốc hay Nhật Bản hiện tại.
Một giải pháp khác có thể giúp Hàn Quốc thúc đẩy tỷ lệ sinh là việc nâng cao nhận thức xã hội về những sự đa dạng trong các mô hình gia đình như mô hình gia đình những bà mẹ đơn thân hoặc mô hình gia đình đa sắc tộc.
Cũng theo ông Jackson, nếu Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất, đất nước sẽ có dân số trẻ và tỷ lệ sinh cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên chi phí dự kiến cho việc hợp nhất là một con số khổng lồ, lên tới hơn 500 tỷ USD.
Therealtz © VietBF