Đã thành truyền thống, tết đến nhà nào cũng có món dưa hành. Các cụ xưa có câu “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”. Rõ ràng dưa hành không thể thiếu trong dịp tết phải không bạn. Dưa hành kết hợp thịt mỡ, bánh chưng xanh giúp cho tiêu hóa dễ dàng trong ngày Tết.
Vì sao chúng ta lại ăn bánh chưng kết hợp với dưa hành? Lương y Hoàng Gia Trí giải thích, bởi vì hành có nhiều tác dụng tuyệt vời và nó là loại củ có tính chất cay nóng, ấm khi ta ăn vào việc đầu tiên là phục vụ tiêu hóa tốt hơn, làm cơ thể nóng, ấm. Vì thế, chúng ta thường kết hợp thịt mỡ, bánh chưng xanh với dưa hành để tránh đầy bụng, tiêu hóa dễ dàng và cũng giúp người ăn đỡ chán ngấy với những món ăn đầy chất dinh dưỡng đó hơn.
Dưa hành ăn kèm với bánh chưng rất hợp.
Lương y Hoàng Gia Trí nói: Ăn dưa hành có lợi với sức khỏe hơn ăn dưa muối (muối bằng các loại rau cải nói chung). Rau cải tính mát không nóng, ủ chua nên chỉ dùng khai vị, kích thích tiêu hóa vì nó chua nên liên quan đến nội tạng và gan. Người hay bị bệnh tiêu hóa hay viêm đại tràng thì không nên ăn dưa muối.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng dưa hành quá mức, vì gây nóng làm cho cơ thể bị ngứa. Ngoài ra, cũng phải đảm bảo vệ sinh khi muối hành, nếu không thích ăn hành muối có thể trần lên ăn chứ không được ăn hành sống sẽ có thể mắc các bệnh khác đi kèm vì khâu vệ sinh chưa được sạch sẽ.
Theo lương y Hoàng Gia Trí, hành với bản chất nóng ấm, phòng ngừa lạnh mùa đông rất tốt và có lợi cho sức khỏe nên trong tất cả các trường hợp bác sĩ hay dùng hành cho bệnh nhân bị chứng bệnh hư hàn như trong thuốc cảm, thuốc xông.
Sau đây là bài thuốc xông trị cảm trong ngày giá lạnh rất hiệu quả với những loại cây ngay trong vườn nhà:
Cảm có hai loại: cảm nhiệt, cảm hàn. Nguyên nhân là khi ra ngoài ăn mặc không kín đáo thường bị gió độc, phong tà xâm nhập vào cơ thể gây nên hiện tượng cảm. Các hiện tượng cảm sốt đối với trường hợp này, chúng ta dùng bài thuốc xông gộp các loại lá trong tự nhiên có tinh dầu, tính nóng như: lá xả, lá bưởi, lá chanh, gừng, hành cho vào đun lên lấy nước xông. Xông nóng lên hương vị của những lá đó thẩm thấu vào lỗ chân lông có tác dụng đẩy khí ra ngoài sẽ khỏi. Hoặc ta cũng có thể dùng: lá bưởi, lá cúc tần, lá chanh, lá sả, củ gừng, củ hành đun lên xông.
Các chuyên gia đông y lưu ý: Không ăn hành với mật ong. Những người bị đau dạ dày và trẻ nhỏ nên ăn ít hành.
“Ngày Tết có nhiều thực phẩm hơn ngày bình thường vì thế cho nên tôi khuyên tất cả mọi người ăn uống phải giữ mức độ, không ăn nhiều quá dù món ăn có mới, lạ và ngon. Một bữa ăn không nên ăn nhiều quá, nên chia nhỏ ra, thức ăn nên làm đến đâu ăn đến đó, không nên để tồn trong tủ lạnh quá lâu để đảm bảo vệ sinh. Ngày tết, không nên ăn thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng, không ăn nhiều thức ăn có chất chua như dấm, mỡ, tanh - những thứ đó ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Nếu ăn rau sống có tinh dầu nóng ấm như lá kinh giới, húng bạc hà, lá hành nhưng phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ”, ông Trí cho biết.
Therealtz © VietBF