Những con số thống kê gần đây đã cho thấy rõ ràng điều trên! Theo thông tin từ Sở Y tế Bình Định, Viện Pasteur Nha Trang, riêng tháng 12 tỉnh Bình Định đã có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Thông tin từ báo TTXVN, năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định có tổng cộng 2.726 ca mắc và năm ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó 4/5 ca tử vong là trẻ em.
Theo bác sỹ Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, một điểm đáng lưu ý là các ca sốt xuất huyết nặng trong thời gian qua, phần lớn có biểu hiện không điển hình, nhiều trường hợp không xuất hiện nốt xuất huyết, rất khó chẩn đoán chính xác ngay từ đầu. Gia đình cho các bé uống thuốc hạ sốt ngay tại nhà, đến khi trở nặng mới đi viện.
Năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định có tổng cộng 2.726 ca mắc và năm ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó 4/5 ca tử vong là trẻ em. (Ảnh minh họa: TTXVN).
Các trường hợp tử vong đều là những ca sốt xuất huyết Dengue rất nặng với các biểu hiện sốc, sốc nặng, suy đa tạng (gan, tim), rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) nặng.
Trước diễn biến thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như hiện nay, số ca mắc và ca nặng tiếp tục tăng, hoạt động điều trị càng thêm khó khăn.
Khoa Nhi (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh) có 100 giường bệnh, nhưng lượng bệnh nhân đã quá tải, luôn xấp xỉ 300 người; trong đó, có 1/3 là bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng Phòng hồi sức Nhi hiện có đến 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
Trước tình hình phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, trong các ngày 6 và 7/1, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Bình Định.
Theo Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Viên Quang Mai, nguyên nhân chính khiến các ca sốt xuất huyết nặng là sự xuất hiện của cả bốn type virus sốt xuất huyết, đặc biệt là type D2 đã tăng bảy lần so với các mùa dịch trước đây.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, báo VOV Giao Thông đưa tin, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, chưa có năm nào, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến và diễn biến khó lường như năm vừa qua.
Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao bất thường tại Miền Trung (Ảnh: VOV)
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, khu vực này ghi nhận hơn 23.300 ca mắc sốt xuất huyết, 11 trường hợp đã tử vong. Các địa phương miền Trung đang nỗ lực triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh lây lan, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh này vẫn tiếp tục tăng cao bất thường.
Từ tháng 9/2015 đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh khu vực miền Trung và diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Nhiều nơi, tháng sau số ca bệnh tăng gấp đôi tháng trước, tập trung vào các tháng 11,12. Đến thời điểm này, tại các địa phương miền Trung đã ghi nhận hơn 23.350 ca mắc sốt xuất huyết, 11 ca tử vong, tập trung từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận.
Nếu tính số ca mắc trên 100.000 dân thì tỉnh Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất ở miền Trung với hơn 9.400 ca; tiếp đến là thành phố Đà Nẵng, hơn 2.400 ca; Phú Yên hơn 1.800 ca. Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp không chỉ số ca bệnh tăng cao bất thường, mà chủng dengue 2 gây bệnh nặng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao cũng tăng gấp 7 lần so với năm 2014.
Ông Viên Quang Mai cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết cao ở khu vực miền Trung là do thời tiết biến đổi bất thường: “Năm nay hầu như không có một cơn bão nào vào khu vực miền Trung. Khí hậu rất thích hợp cho muỗi phát triển. Việc chúng ta chủ động phun hóa chất và nguồn kinh phí chống dịch nói chung chậm hơn so với các năm trước. Thậm chí có những tỉnh đến hết tháng 12 mới bắt đầu có hóa chất và kinh phí xử lý dịch trong khi dịch tăng rất cao trong những tháng 10, 11, 12 vừa qua”.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến và lây lan nhanh như hiện nay còn do con muỗi đã kháng thuốc, sau khi phun thuốc tỷ lệ muỗi chết thấp. Vì thế, cần phải thay đổi thuốc diệt muỗi hoặc tăng liều lượng.
Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua mặc dù ngành cũng đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp từ giám sát đến xử lý dịch bệnh nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng cao, trung bình mỗi tuần thành phố này ghi nhận khoảng 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết.