Vietbf.com - Bắc Kinh tranh dành những "miếng bánh ngon" ở Syria với Nga, Mỹ và EU, vì trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria đã bước vào giai đoạn then chốt để Trung Quốc nhảy vào tranh dành bằng được những miếng ngon này về mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP
Bắc Kinh tuyên bố mời cả chính phủ và đối lập Syria sang thăm
Những động thái gấp rút để giải quyết vấn đề chính trị tại quốc gia này cũng được tăng cường.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18/12 đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ lộ trình hòa bình quốc tế tại Syria, thúc giục Damascus cùng phe đối lập khởi động đàm phán hòa bình chính thức vào tháng 1/2016. Nghị quyết nhấn mạnh "tương lai của Syria do chính người dân Syria quyết định".
Đây là lần đầu tiên Hội đồng bảo an, trong đó có Trung Quốc, nhất trí về phương án giải quyết vấn đề Syria.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Ngoại trưởng lần 3 của Nhóm hỗ trợ quốc tế về vấn đề Syria đã đề ra một loạt "phương án Trung Quốc" cho cuộc nội chiến này.
Theo ông Vương, Trung Quốc sẽ lần lượt mời đại diện chính phủ Syria cũng như phe đối lập tới thăm nước này. Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 21/12 đã xác nhận tuyên bố của ông.
Chuyên gia Khâu Lâm đánh giá, động thái này là "bước ngoặt quan trọng" của Trung Quốc trong vấn đề Syria.
Trước đó, Trung Quốc là nước duy nhất trong 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an không can thiệp về mặt chính trị và quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria.
Ngoại trừ 4 lần bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết liên quan tới Syria, Bắc Kinh luôn duy trì vị thế "kẻ ngoài cuộc".
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là bởi lợi ích của Trung Quốc tại Syria hết sức hạn hẹp. Đây là quốc gia ở xa Trung Quốc và gần như không tự sản xuất dầu khí, kim ngạch thương mai song phương cũng rất hạn chế.
Vì vậy, ở cả khía cạnh lịch sử hay hiện tại, vấn đề Syria đều không nằm trong "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, khiến nước này thiếu hẳn động cơ để can thiệp tại đây bằng bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, nhà bình luận Khâu Lâm cho rằng quân đội Trung Quốc không có đủ điều kiện để can thiệp vào Syria.
Ngoài việc "bắt tay" cùng Moscow 3 lần phủ quyết dự thảo nghị quyết liên quan đến Syria và buộc Tổng thống Bashar al-Assad ra đi năm 2013, Bắc Kinh chỉ có thể gửi quân đến Trung Đông "một cách tượng trưng", theo dạng tham gia hành động chống cướp biển".
Các lãnh đạo chính phủ Tổng thống Syria al-Assad và cả phe đối lập đều được Bắc Kinh mời sang thăm để tiếp xúc, mở đường cho đàm phán. (Ảnh minh họa: AP)
Lúc này Trung Quốc mới chính thức can thiệp vào vấn đề Syria?
Tình hình Syria diễn biến tồi tệ trong năm 2015 và Nga khởi động chiến dịch không kích ở đây từ 30/9 đã bộc lộ thực tế đáng buồn đằng sau chính sách "dửng dưng" của Trung Quốc, đó là dù có tình nguyện thì Bắc Kinh cũng chẳng có bao nhiêu tiếng nói trong vấn đề này.
Trong bối cảnh quân đội chưa đủ khả năng tham chiến, Trung Quốc buộc phải chấp nhận vai trò "thấp cổ bé họng" ở Trung Đông.
Nói cách khác, tuyên bố của ông Vương Nghị hôm 18 và Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 21 có thể xem là lần đầu tiên và trong thời kỳ quan trọng của cuộc khủng hoảng Syria, phương Tây "nhìn thấy" bóng hình Trung Quốc.
Trong "phương án Trung Quốc" mà ông Vương nêu, Bắc Kinh đề xuất ngừng bắn "từ dễ đến khó", "từ từng điểm đến toàn diện", "từ cục bộ đến toàn bộ"... xuất phát từ các thành phố lớn như Damascus, Aleppo, Homs.
Phương án này cũng đề cập nên xem xét cho phép các nhóm đối lập "không tham gia hoạt động cực đoan, ủng hộ giải pháp chính trị, sẵn sàng hạ vũ khí" được tham gia hòa đàm.
Bắc Kinh đề xuất LHQ tham gia cuộc thảo luận cuối cùng nhằm đi tới một danh sách đại biểu cuối cùng của phía đối lập Syria mà các bên đều thừa nhận.
Theo chuyên gia Khâu Lâm, Trung Quốc trước đây, dù không thực sự hiệu quả, cũng đã vận dụng phương thức của riêng mình nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Những dấu ấn đáng kể nhất là việc Bắc Kinh tiếp đón đặc sứ của Tổng thống Syria al-Assad vào tháng 10/2015, hay trước đó là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Liên minh các lực lượng đối lập và cách mạng Syria vào tháng 4/2014.
Sau khi nghị quyết của LHQ về vấn đề Syria được thông qua, Bắc Kinh đã nhanh tay "chớp thời cơ" bằng tuyên bố mời lãnh đạo các bên ở Syria tới thăm, nhằm nỗ lực điều chỉnh lập trường của các phe xung đột, qua đó làm nổi bật vai trò ngoại giao của Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện tại, dù quân đội Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để can thiệp vào tình hình Trung Đông, song để khẳng định vai trò một nước lớn, Bắc Kinh bắt buộc phải tạo được ảnh hưởng đối với khu vực này, mà sự lựa chọn tốt nhất là tham gia giải quyết vấn đề Syria.
"Đề xuất 'phương án Trung Quốc' chính là thể hiện rõ nhất cho thấy Bắc Kinh đã tiến lên một bước, chính thức tham gia vào tình hình Syria.
Trong tương lai gần có thể dự đoán, Trung Quốc sẽ làm theo cách họ đã thực hiện với 'cơ chế đàm phán vấn đề hạt nhân Iran 5+1', tức đóng vai trò 'con thoi' giữa các nước lớn và Syria.
Nhưng tiền đề để thúc đẩy Bắc Kinh làm điều đó là, miếng bánh Syria thời hậu chiến không thể thiếu phần Trung Quốc," ông Khâu kết luận.
Trí Thức Trẻ