Máy bay của Nga bị rơi ở Ai Cập đang làm cả thế giới phải quan tâm. Nga cho rằng máy bay của họ bị khủng bố nhưng AI Cập lại phủ nhận. Lư do ǵ mà Ai Cập luôn phủ nhận khủng bố máy bay của Nga.
Theo tờ The Daily Beast, câu chuyện chỉ mới dừng ở việc ai đang tiến hành điều tra? Mọi chứng cứ đang ở đâu?
Đây là những câu hỏi then chốt trong tâm điểm tranh cãi xem vì sao máy bay Airbus 321 của Nga bị rơi trên bầu trời Sinai, Ai Cập hôm 31/10, khiến 224 người thiệt mạng.
Hơn hai tháng sau thảm kịch, không ai đưa ra được câu trả lời xem chuyện gì thực sự đã xảy ra, ngay cả khi phía Ai Cập đưa ra 'báo cáo sơ bộ' vào hôm 14/12.
Các báo cáo sơ bộ này theo thông lệ được các điều tra viên chuyển giao tại quốc gia xảy ra vụ rơi máy bay, đôi khi chỉ trong vài tuần, thường là trong vài tháng. Nhưng hiếm khi có báo cáo nào lại thiếu căn cứ như bản được Ai Cập công bố, do ông Ayman El-Mokaddem - người đứng đầu cơ quan điều tra Ai Cập - ký.
Dù không có bất kỳ tài liệu có tính pháp lý nào, phía Ai Cập vẫn nói rằng họ không có chứng cứ nào cho thấy máy bay Nga bị nổ do bom.
Thực tế, cuộc điều tra này trở thành một trong những trường hợp tệ hại nhất trong toàn bộ lịch sử điều tra rơi máy bay mà trong đó các lợi ích mang tính ganh đua đã đưa ra nhiều phiên bản khác nhau của cùng một sự kiện:
Nga vẫn quả quyết cho rằng máy bay bị đánh bom. Phản ứng với báo cáo của Ai Cập, người phát ngôn của điện Kremlin nói rằng: "Tôi có thể nhắc các anh nhớ về kết luận mà các chuyên gia và lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi... rằng đó là một vụ khủng bố".
Các cường quốc phương Tây thận trọng hơn một chút. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng vụ việc còn hơn cả 'có vẻ như' một hành động khủng bố; quan chức tình báo Mỹ dù không đưa ra thông cáo chính thức nhưng báo cáo vắn tắt trước Quốc hội, chuyên gia an ninh quân sự và báo giới rằng họ tin đến '99%' là bom được gài trên máy bay - dù họ không sẵn sàng nêu ra chứng cứ hay nguồn tin nào.
Sau khi máy bay rơi được hơn hai tuần, phiến quân 'Nhà nước Hồi giáo' tự xưng (IS) đăng tải bức ảnh về quả bom được đặt trong một lon nước soda, cùng thiết bị phát nổ và máy hẹn giờ, và nói rằng đây là loại bom được đặt lên máy bay Nga, nhưng không giải thích bằng cách nào họ đã tiến hành vụ việc.
Nhưng, không có các tiêu chuẩn nào làm bằng chứng xác thực khớp bất kỳ giả thiết nào được nêu ra - dù là báo cáo của Ai Cập cũng như của các bên nêu trên.
Điều này càng kỳ lạ hơn khi mà mọi mảnh vỡ của máy bay đều nằm ở đó, ai cũng nhìn thấy, và các chuyên gia đều có thể tiếp cận.
Các điều tra viên từ lâu đã có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm dấu tích của quả bom trên máy bay, thậm chí trong những trường hợp còn gian nan, thách thức hơn nhiều.
Chẳng hạn như năm 1985, chiếc Boeing 747 của hàng không Ấn Độ bay từ Montreal (Canada) tới London (Anh) đã bị phát nổ do bom đặt trong hành lý tại Đại Tây Dương, khiến 329 người thiệt mạng.
Dù phần thân chính của máy bay 747 nằm ở dưới đáy đại dương sâu 6.700 feet, họ vẫn xác định được vị trí của máy bay và tìm được hộp đen.
Chứng cứ từ những mảnh vỡ này cùng với phần lớn trong số 132 thi thể cho thấy máy bay bị nổ ngay trên không trung, ngay sau khi kho hành lý phát nổ.
Không ai tranh cãi việc máy bay Nga nổ giữa không trung. Nguyên nhân vụ nổ chỉ có thể là do lỗi kỹ thuật nghiêm trọng, hoặc bị đánh bom trong khoang khách hoặc khoang hành lý.
Các điều tra viên từ Pháp (nơi sản xuất máy bay Airbus), Ireland (nơi máy bay đăng ký) và Nga đều tham gia công tác điều tra, nhưng có vẻ như Ai Cập là phía đang kiểm soát mức độ chắc chắn của chứng cứ đã được (hoặc không được) thu thập, và mức độ công khai tới đâu.
Một điều nữa là, ông El-Mokaddem nói rằng ủy ban điều tra đã tới khu vực mảnh vỡ máy bay tới 15 lần, và rằng không lực Ai Cập đã di chuyển các mảnh vỡ quan trọng của máy bay tới Cairo để điều tra thêm.
Ông El-Mokaddem thậm chí còn tìm cách làm giảm sức thuyết phục của giả thuyết máy bay bị đánh bom khi nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy những kẻ khủng bố đã 'đột nhập' vào sân bay Sharm el-Sheikh.
Tuy nhiên, chính quyền Ai Cập có thể phải chịu một số phận không mấy tươi sáng khi mà họ không có nhiều độ tin cậy. Rất ít người tin họ, thậm chí ngay cả khi họ có nói thật đi chăng nữa.