Với hy vọng đổi đời cho con cái, nhiều gia đình người Việt đã lựa chọn sinh con ở đất Mỹ. Câu chuyện "thẻ xanh Mỹ" khiến nhiều người Việt thở dài ngao ngán. Hãy cùng vietbf khám phá nhé!
Mỹ là điểm đến hấp dẫn người giàu ở các nước đang phát triển tới bỏ tiền đầu tư, không chỉ để sinh lời mà chủ yếu để nhập tịch, trở thành công dân Mỹ. Nhưng một số thay đổi về chính sách của Mỹ có thể khiến việc nhập tịch thông qua đầu tư này trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn.
Từ năm 1990, Chính phủ Mỹ có chính sách cấp quy chế “thường trú nhân” (permanent resident), gọi nôm na là “thẻ xanh”, cho người nước ngoài đầu tư mở doanh nghiệp và sử dụng lao động tại Mỹ. Chương trình này được gọi tắt là EB-5, chủ yếu nhắm tới những người giàu có ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước đang phát triển khác.
Điều kiện chính để được nhận “thẻ xanh” theo chương trình EB-5 là đầu tư từ 500.000 đến 1 triệu đô la Mỹ vào một doanh nghiệp tại Mỹ, tạo ra việc làm thường xuyên cho ít nhất 10 người lao động bản địa.
Mỗi năm chính phủ Mỹ dành ra khoảng 10.000 visa (thị thực) EB-5 cho diện đầu tư này. Nhưng vài năm gần đây, lượng người Trung Quốc giàu có đổ xô tới Mỹ đã làm cho chương trình EB-5 lộ ra nhiều bất cập. Số lượng 10.000 visa EB-5 của năm nay đã được cấp hết trong 5 tháng đầu năm và hiện còn 13.000 hồ sơ chưa giải quyết được. Năm nay số hồ sơ tăng vọt, nhất là sau khi Canada chấm dứt chương trình “đầu tư lấy thẻ xanh” của mình.
Phần lớn số visa EB-5 của Mỹ được phát ra đều rơi vào tay người Trung Quốc. Năm 2014, người Trung Quốc lấy được 8.308 visa EB-5, chiếm 83% số visa được cấp.
Những người ủng hộ chính sách này tuyên bố, nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại một nguồn vốn bổ sung cho kinh tế Mỹ, làm lợi cho nền kinh tế. Nhưng những người chống đối cho rằng, đây thực chất là chuyện “bán quốc tịch Mỹ,” lợi ích kinh tế không đáng kể mà lại phát sinh nhiều tiêu cực, có thể bị lợi dụng để rửa tiền và lừa đảo.
Để cải tiến, các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét để sửa đổi chính sách gây nhiều tranh cãi này, tập trung vào 4 điểm chính mà nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới.
Một là, vốn đầu tư tối thiểu theo chương trình EB-5 sẽ được nâng lên ở mức từ 800.000-1,2 triệu đô la Mỹ tùy theo dự án trong khi điều kiện về tạo việc làm vẫn giữ nguyên. Những người đưa ra đề nghị này cho rằng, mức đầu tư tối thiểu 500.000 đô la đặt ra từ năm 1990 đến nay đã lạc hậu và quá thấp so với yêu cầu ở các nước khác; ví dụ ở Anh quốc là 3,2 triệu đô la.
Hai là, minh bạch thông tin về nguồn vốn đầu tư. Các dự án đầu tư theo chương trình EB-5 phải cung cấp cho chính quyền Mỹ thông tin chi tiết về việc sử dụng vốn, chi tiết về đối tác địa phương và bảo đảm các đối tác này chưa có tiền án về hình sự. “Sẽ có thêm quy định về công khai những ai được trả tiền từ nguồn vốn đầu tư này, nguồn tiền được sử dụng như thế nào… để chính phủ biết được, liệu có lừa đảo ở đây hay không” ông Ron Klaso, luật sư về di trú, cho biết.
Đồng thời, nhà đầu tư còn phải trải qua tiến trình xem xét toàn diện xem nguồn vốn đầu tư của họ từ đâu mà có. Nhà đầu tư phải chứng minh rằng, đồng tiền của họ đã được làm ra và được chuyển vào Mỹ một cách hợp pháp.
Sở dĩ yêu cầu này được đặt ra vì trong quá khứ chương trình EB-5 đã bị nhà đầu tư và doanh nghiệp lợi dụng.
Hồi đầu năm nay Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố và bắt giam bà Shilan Zhao, một người Trung Quốc được cấp thẻ xanh Mỹ qua chương trình EB-5, về tội rửa tiền. Bà Zhao và chồng cũ là ông Jianjun Qiao – giám đốc một công ty lương thực quốc doanh ở Trung Quốc – còn bị cáo buộc về tội lừa dối cơ quan di trú Mỹ, có “thẻ xanh” EB-5 một cách gian dối.
Ba là, nhà đầu tư có thể được yêu cầu kinh doanh ở vùng nông thôn. Cho đến nay, các dự án đầu tư theo chương trình EB-5 có cả ở nông thôn và các đại đô thị. Song các nhà lập pháp Mỹ muốn tập trung nguồn vốn này cho các vùng nông thôn đang thiếu việc làm, cho dù thực tế cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm tới vùng nông thôn mà chỉ muốn bỏ tiền vào những nơi họ cảm thấy quen thuộc như San Francisco hay New York.
Bốn là, những sự sửa đổi chính sách như trên có tính hồi tố. Những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ vào chương trình EB-5 mà chưa được cấp thẻ xanh cũng phải tuân thủ những quy định sửa đổi trên nếu chúng được Quốc hội Mỹ thông qua.
vietbf @ sưu tầm