Tất nhiên nếu bạn ăn một lúc hết luôn 1 cái bánh gato thì cắt kiểu gì cũng được thôi! Nhưng nếu bạn được một cái bánh thật bự và ăn trong 1-2 hôm thì nó lại là chuyện khác! Nếu cứ áp dụng cách cắt bánh gato bấy lâu nay chúng ta vẫn làm hóa ra không phải là phương pháp "chuẩn".
Bánh gato là một trong những món đồ không thể thiếu trong mỗi bữa tiệc sinh nhật. Thế nhưng bạn có biết, từ trước đến nay, chúng ta đã luôn cắt bánh "không đúng điệu" và điều này đã được khoa học chứng minh hẳn hoi.
Chắc hẳn các bạn đều cắt bánh như thế này?
Cắt bánh từ ngoài vào tâm bánh, tạo thành một miếng hình tam giác.
Phương pháp này sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng ta ăn hết chiếc bánh này. Tuy nhiên, thực tế là bánh gato là món ăn còn thừa nhiều nhất trong mỗi buổi tiệc. Lúc đó, chúng ta cũng thường để nguyên chiếc bánh như vậy mà cho vào tủ lạnh.
Nếu hôm sau bạn muốn ăn bánh, bạn hẳn cũng sẽ cắt như vậy.
Lúc này, bạn có nhận thấy khu vực bánh bị cắt hở ra sẽ trở nên "khô khốc" vì tiếp xúc với hơi lạnh quá lâu, gây nên hiện tượng mất nước. Trong khi đó, phần bánh được bao phủ bởi kem thì vẫn mềm.
Một số người sẽ chọn cách cắt bỏ đi phần bánh bị khô, nhưng như vậy thì thật phí phạm đúng không? Vậy thì phải tìm cách giảm diện tích bánh tiếp xúc với khí lạnh. Nhưng bằng cách nào?
Giải pháp cho vấn đề này thực chất đã được đưa ra từ... hơn 100 năm trước bởi nhà bác học người Anh Francis Galton. Trong một bức thư được đăng trên tạp chí Nature - tạp chí nổi tiếng về khoa học vào năm 1906, ông đã đề xuất một phương pháp cắt bánh, có thể giảm thiểu tối đa phần diện tích bánh bị khô, giúp chúng ta thưởng thức trọn vẹn bánh gato trong ít nhất là vài ngày.
Cụ thể, chúng ta sẽ cắt bánh như sau:
Đầu tiên, hãy cắt bánh sát chính giữa, sao cho sau khi lấy miếng bánh, chúng ta có hai nửa bánh bằng nhau. Sau đó hãy dồn hai nửa bánh vào làm một như hình dưới.
Bằng cách này, chúng ta đã giảm thiểu tối đa diện tích bánh tiếp xúc với không khí. Và nếu không ăn hết, ta vẫn có thể lưu trữ bánh trong tủ lạnh, mà bánh vẫn không mất đi độ mềm mại vốn có.
Sang ngày thứ hai, hoặc nếu chúng ta muốn ăn tiếp ngay lúc đó, thì cách cắt sẽ như sau.
Sau khi cắt xong, lại tiếp tục ghép các phần bánh lại để giảm thiểu diện tích bánh khô khi lưu trữ.
Áp dụng tương tự như vậy cho lần cắt thứ 3 đến khi hết bánh.