Với những hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông thì có vẻ giới báo chí Mỹ không hứng thú lắm với chuyến thăm của ông Tập Cẩn Bình. Thay vào đó họ dành phần lớn quan tâm tới Giáo Hoàng hơn. Hãy cùng vietbf khám phá nhé!
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis, người được tin là giáo hoàng gần gũi công chúng nhất, đã thu hút đám đông khổng lồ, và được chào đón nồng nhiệt như ngôi sao khi đến Mỹ. Các kênh truyền hình Mỹ đều đưa tin trực tiếp hầu như mọi phát biểu và hoạt động của Giáo hoàng.
Theo dữ liệu của MediaMiser, hãng chuyên theo dõi thông tin trực tuyến, trên truyền hình và đài phát thanh tại Mỹ, sự chú ý dành cho chuyến thăm của ông Tập "chìm nghỉm" giữa những bàn luận, tin tức về Giáo hoàng.
Ngày 26/8 - 25/9, lượng tweet về Giáo hoàng Francis tại Mỹ là hơn 765.000, so với con số 107.000 dành cho ông Tập. Các bài viết trên mạng ngày 20 - 24/9 đề cập tới Giáo hoàng nhiều gấp 4 lần so với ông Tập. Trên truyền hình, thời lượng phát sóng về Giáo hoàng cũng nhiều hơn gấp 25 lần.
Ngoài ra, buổi tiếp xúc giữa ông Tập với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Mỹ cũng tương phản với sự kiện tương tự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi đã có cuộc trao đổi đầy cảm xúc hôm 27/9, tại một diễn đàn với sự tham dự của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Giọng của ông lạc đi khi kể về xuất thân khiêm tốn của mình.
Trong khi quan hệ giữa doanh nghiệp công nghệ Mỹ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn do vấn đề tấn công mạng và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, chuyến thăm của ông Modi đã nêu bật tiềm năng khổng lồ mà ngành công nghệ nhận thấy ở Ấn Độ.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp, do căng thẳng về vấn đề tin tặc và các động thái hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Bị lu mờ bởi một người không có quân đội, không có sức mạnh kinh tế là điều tôi thấy thật khó tin. Tôi không nghĩ người Trung Quốc nhận thấy sự tương phản ấy trong thông điệp", Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, nay sống tại Washington, đánh giá.
Giới chức Trung Quốc thì bác bỏ mọi ý kiến cho rằng chuyến công du của ông Tập bị lu mờ bởi Giáo hoàng Francis. "Về chuyến thăm của Giáo hoàng, chúng tôi nhận thấy rằng ông rất được công chúng chào đón. Tuy nhiên, chuyến công du của Giáo hoàng và Chủ tịch Tập đều mang ý nghĩa riêng", người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc Lu Kang nói.
Thông tin về chuyến thăm của ông Tập một lần nữa bị giảm bớt hôm 25/9, khi chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố từ chức. Các kênh truyền hình lớn tại Mỹ đều nhanh chóng cắt ngắn phát biểu của ông Tập tại buổi họp báo với Tổng thống Obama để đưa tin về cuộc họp báo của ông Boehner.
Ngoài ra, giới chức Trung Quốc luôn thắt chặt an ninh trong suốt chuyến thăm của ông Tập, khiến ông ít có khả năng phát biểu hoặc hành động ngoài dự kiến, và không tiếp xúc nhiều với công chúng. Ông Tập để cho vợ mình, bà Bành Lệ Viện, đảm đương nhiệm vụ đó. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc đã đi cùng Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tới đặt tên cho một chú gấu trúc mới chào đời tại vườn thú quốc gia Smithsonian, Washington.
Giới chức tại Tacoma cũng cho biết công tác chuẩn bị an ninh tại đây rất gắt gao. "Chúng tôi đã gặp các đội chuẩn bị 6 - 8 lần trong suốt mùa hè", thị trưởng thành phố Tacoma, Marilyn Strickland chia sẻ về chuyến thăm của ông Tập tới trường trung học.
vietbf @ sưu tầm