Apple là một hãng công nghệ đình đám với những sản phẩm thời thượng. Tưởng chừng mọi kế hoạch quảng bá sản phẩm phải thật kỹ lưỡng sát sao. Nhưng mới đây hãng đã bị chỉ trích khi đang thuyết trình về phần mềm mới.
Trong sự kiện ngày 9/9, Apple và Adobe bất ngờ bị "ném đá" vì đã "ép" người mẫu phải cười khi giới thiệu tính năng mới của iPad Pro.
Apple mời chuyên gia Eric Snowden của Adobe lên sân khấu để giới thiệu công cụ biên tập ảnh Photoshop Fix. Trong màn trình diễn của mình, Snowden chiếu ảnh của một cô gái và nói: "Tôi không hài lòng với nụ cười của người mẫu. Tôi ước cô ấy cười tươi hơn. May mắn thay chúng ta đã có một ứng dụng để khắc phục điều đó". Sau đó, ông sử dụng một số thao tác để khuôn miệng người mẫu uốn lên như đang mỉm cười.
Diễn giả của Apple dùng Photoshop trên iPad Pro để khiến người mẫu cười.
Mạng xã hội nhanh chóng tràn ngập phản ứng giận dữ của người xem, trong đó có nhiều nhà báo công nghệ, rằng đây là một trò đùa độc ác.
"Ông ấy dùng Photoshop để ép một phụ nữ cười trong sự kiện của Apple ư? Đó được đem ra làm ví dụ cho khả năng biên tập ảnh ư?", thành viên Emily Combs thắc mắc trên Twitter.
"Ơn chúa, chắc phần mềm này có thể giúp các nam nhân viên Apple cảm thấy thoải mái hơn với khuôn mặt của cô ấy", một thành viên khác nói.
Apple không hề ngờ rằng màn demo đó khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm.
Các nhân vật tham gia sự kiện của Apple thường là nam giới, do đó, một thành viên đã mỉa mai: "Đã có một phụ nữ xuất hiện trên sân khấu của Apple, đó là người mẫu mà họ dùng để 'photoshop' cũng như bình phẩm rằng họ không thích nụ cười của cô ấy".
"Chẳng lẽ không ai trong nhóm truyền thông của Apple duyệt trước màn demo của Adobe đưa ra nhận xét rằng đừng có ép phụ nữ phải cười trong sự kiện này hay sao?", thành viên Georgia Well hỏi trên Twitter. Trong khi đó, có thành viên còn "đá xoáy" Apple rằng: "Nếu không thể mời một phụ nữ lên sân khấu, ít nhất Apple vẫn có thể 'photoshop' họ trong chương trình truyền trực tiếp".
Trước làn sóng chỉ trích ngoài dự kiến, Scott Benskey, chuyên gia của Adobe, đã thanh minh: "Tôi biết nhóm phát triển không hề có ý xúc phạm khi thực hiện màn trình diễn" và khẳng định mục đích đầu tiên của ứng dụng là để hỗ trợ nhu cầu chính sửa ảnh selfie.
Qua đây chúng ta mới thấy trong kế hoạch truyền thông sản phẩm có nhiều yếu tố rủi ro như thế nào? Đôi khi vô tình lại thành cố ý.