Nhưng con số thống kê đã cho thấy những tin tức vô cùng đen tối của kinh tế Việt Nam. Theo đó, thu nhập của người Việt 'thụt lùi' so với Hàn Quốc 35 năm, Malaysia 25 năm.. càng ngày càng tụt hậu so với khu vực. Thậm chí là còn rất lâu nữa, VN mới đuổi kịp các quốc gia như Philippines!
Báo cáo tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) luôn duy trình tăng trưởng khá, bình quân thời kỳ 1990-2014 đạt 6,9% đưa Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2052 USD, gấp 21 lần mức bình quân năm 1990.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỉ USD đạt được năm 2014 vẫn còn nhỏ. GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Mặc dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn và nguy cơ bị nới rộng.
Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD. Tuy nhiên, với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Về năng suất lao động, trong giai đoạn 1994-2013, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 4,87%, là mức tăng cao nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, ngoại trừ Brunei và Philippines, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.
Với giả sử Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa qua thì phải đến năm 2018 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, những khác biệt thể chế đang cản trở kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách. Thêm vào đó, dù phát triển tốt nhưng thực tế là nền kinh tế Việt Nam kém cạnh tranh và có nguy cơ thất bại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu. Với tốc độ tăng trưởng 5%, đến năm 2020, GDP của Việt Nam chỉ bằng 7% Thái Lan và nếu tăng trưởng 7% thì “may ra” mới đuổi kịp được.
“Năng suất lao động chưa cải thiện, tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính - ngân hàng bất động sản là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch”, ông Cung nói thêm.