Với thông tin cá tra xuất khẩu sang Mỹ khó thì ai cũng nghĩ do phía Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều cái mà VN không đáp ứng được. Nhưng nay khó chính là chỗ đồng Đô tăng mạnh so với các ngoại tệ khác. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cá tra của nước ta những tháng đầu năm nay gặp khó khăn do đồng USD tăng mạnh so với một số ngoại tệ khác khiến cho thị trường nhập khẩu bị thu hẹp, trong khi cá tra xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao. Chỉ số giá USD tháng 6 tăng 0,62% so với tháng 5/2015, và 6 tháng đầu năm nay, USD tăng 1,84% so với 6 tháng đầu năm 2014.
Xuất khẩu cá tra gặp khó khi USD tăng giá (Ảnh minh họa: KT)
Diện tích thả nuôi cá tra công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 3.975 ha, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014. Các tỉnh, thành phố có diện tích nuôi cá tra công nghiệp giảm: An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long.
Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 561.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có sản lượng cá tra giảm so với cùng kỳ: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Một số tỉnh có sản lượng cá tra tăng do chủ động trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới: Đồng Tháp, An Giang.
Thời gian gần đây, nuôi trồng cá tra tại các địa phương được chuyển dịch theo hướng từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi quy mô lớn, tập trung, bảo đảm chu trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nhằm đáp ứng các điều kiện khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng qua, thị trường xuất khẩu vẫn là yếu tố then chốt tác động đến quyết định của người nuôi cá tra. Trong khi cá tra trên thị trường Mỹ vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá 1 USD/kg, thì thị trường Nga lại có dấu hiệu tốt hơn với thuế xuất 0% sau khi hiệp định thương mại Việt Nam và liên minh kinh tế Á – Âu được ký kết.
Tuy nhiên, để đáp ứng những đòi hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người nuôi và các nhà máy chế biến tạo nên chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Yêu cầu này tác động làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn và thâm canh sâu hơn./.