Với Tập Cận Bình, việc bồi lấp mở rộng các đảo nhân tạo ở Trường Sa là "giấc mơ Trung Quốc". Ông ta xem đây là một nhiệm vụ trung tâm trong nhiệm kỳ của mình, đó là biến Trung Quốc thành cường quốc ngang vai phải lứa với Hoa Kỳ, trong đó Trung Nam Hải có thể triển khai sức mạnh quân sự ở những vùng biển lân cận và hơn thế nữa.
Ông Tập Cận Bình và ông Barack Obama, ảnh: Asia Society.
The Wall Street Journal ngày 19/5 bình luận, Biển Đông đang là rào cản chủ yếu trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, còn quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bị đánh dấu là một điểm nguy hiểm cần tránh. Một số rặng san hô ở Trường Sa đã được nhắc đến sau khi bị tàu thuyền (Trung Quốc) phá hủy.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tăng tốc mở rộng, bồi lấp các bãi đá, rặng san hô bằng công nghệ nạo vét (hủy diệt) tiên tiến nhất, quần đảo Trường Sa đã trở thành một thử nghiệm ý chí giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Mỹ lo ngại Trung Quốc xây dựng pháo đài để theo đuổi yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) thông qua các phương tiện quân sự.
Tháng trước ông Obama đã lên án Trung Quốc sử dụng sức mạnh cơ bắp và ưu thế nước lớn để đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn nó. The Wall Street Journa bình luận, đừng đánh giá thấp quyết tâm của Tập Cận Bình trong việc đầu tư cho bồi lấp, xây dựng ở Trường Sa. Với Tập Cận BÌnh, việc bồi lấp mở rộng các đảo nhân tạo ở đây là một phần của cái ông Bình gọi là "giấc mơ Trung Quốc".
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình bắt đầu khởi động vận hành một ủy ban hàng đầu được gọi là tổ công tác bảo vệ lợi ích hàng hải. Dường như cùng lúc, cách tiếp cận thận trọng của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông bỗng dưng thay đổi. Sự thay đổi này đã được chứng minh bằng quyết định hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014 một cách vô cớ khiến người Việt bị sốc.
Một nhà phân tích Trung Quốc xin giấu tên cho rằng khi nói đến vấn đề lãnh thổ, Tập Cận Bình muốn tiêu chí xây dựng các đảo nhân tạo là phải lớn và nhanh. Tập Cận Bình không thể chấp nhận tình trạng các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và ngay cả đảo Đài Loan cũng có tiền đồn ở Trường Sa, Việt Nam còn có hẳn một số ngôi chùa với các tu sĩ Phật giáo ở đây.
Quyết định khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Philippines càng "khiêu khích" Tập Cận Bình. Ông Bình xem đây là một trở ngại cho nhiệm vụ trung tâm trong nhiệm kỳ của mình, đó là biến Trung Quốc thành cường quốc ngang vai phải lứa với Hoa Kỳ, trong đó Trung Nam Hải có thể triển khai sức mạnh quân sự ở những vùng biển lân cận và hơn thế nữa.
Hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc tại đá Xu Bi khi mới bắt đầu.
Do đó Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã tỏ ra không khoan nhượng trong vấn đề Biển Đông khi họp báo cùng Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Bắc Kinh cuối tuần trước. Vương Nghị nói rằng quyết tâm bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ là "sắt đá". Với các đảo nhân tạo đang xây dựng, Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái ao của mình, đây là một thách thức với ông Obama trong việc duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở Đông Á cũng như độ tin cậy trong cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh và bè bạn của Mỹ.
Điều đó giải thích tại sao bãi đá Xu Bi, một bãi đá nửa nổi nửa chìm ở Trường Sa giờ đã trở thành một đảo nhân tạo nhìn rõ từ vệ tinh và có thể là một chiến trường chính trong một cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc. Trạng thái tự nhiên của đá Xu Bi chỉ là một rặn san hô hình chiếc nhẫn bao quanh một đàm phá màu lam ngọc và không thể được coi là một hòn đảo theo tiêu chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Hiện tại đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp ở Xu Bi đã có kích thước bằng một nửa tổng diện tích nhô trên mặt nước ở Trường Sa cộng lại. Một đường băng đang hình thành tại đây và nó đủ lớn để chứa các máy bay quân sự Trung Quốc. Khu vực xung quanh đá Xu Bi lần đầu tiên được khảo sát chi tiết bởi các sĩ quan Anh trên tàu HMS vào những năm 1860, The Wall Street Journal cho biết.
Cũng theo The Wall Street Journal, Anh, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát ở Trường Sa trước Thế chiến II khi thấy được tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Nhật Bản đã vận hành một căn cứ tàu ngầm ở Trường Sa sau đó, tuy nhiên đây vẫn là một khu vực nguy hiểm.
Các chuyên gia hàng hải David Hancox và Victor Prescortt viết trong cuốn sách "Bí mật khảo sát thủy văn tại quần đảo Trường Sa" cho rằng, các bản đồ hàng hải hiện tại, kể cả của Hải quân Hoa Kỳ về quần đảo Trường Sa cũng có nhiều điểm không chính xác, bao gồm các cấu trúc không tồn tại.
Bản đồ hàng hải Trường Sa bị lỗi là một trong những nguyên nhân khiến tàu quét mìn USS Guardian của Mỹ bị mắc cạn vào năm 2013. Hiện không ai ngăn chặn xu thế quân sự hóa ở một vùng biển trong nhiều thế kỷ đã trở thành nấm mồ của các thủy thủ. Trong quá trình này, Mỹ và Trung Quốc đang có nguy cơ chạy đua và mắc cạn trên các rặng san hô ở Trường Sa.
VietBF © sưu tập