Thời gian 5 ngày từ nay cho tới ngày 31/3 sẽ quyết định triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Trong suốt quá trình đàm phán dai dẳng đã nhiều năm nay, chưa khi nào ở cả hai phía đều thấy có mức độ lạc quan đến như vậy về khả năng sẽ kết thúc đàm phán thành công. Cho dù những thoả thuận cuối cùng thường luôn khó đạt được nhất thì hiện vẫn có cơ sở để cảm nhận rằng thoả thuận mang tính nguyên tắc về chính trị cho việc giải quyết vấn đề này giữa Iran, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đã đến trong tầm tay của họ.
Tuy có nhiều bên tham gia đàm phán như thế nhưng thực chất là giữa Mỹ và Iran. Ở đây có sự gắn kết giữa việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và chuyện bình thường hoá quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước Phương Tây khác. Không có giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran thì sẽ không thể có chuyện quan hệ giữa Mỹ và Iran được bình thường hoá. Ngược lại, vấn đề này sẽ không thể được giải quyết nếu quan hệ song phương giữa Mỹ và Iran không được bình thường hoá. Bởi vậy, việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, quan hệ giữa Iran với Mỹ và Phương Tây, tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh hiện đều đang ở trước bước chuyển quyết định.
Nếu đạt được thoả thuận trong thời hạn vốn đã được hai lần gia hạn là cho tới ngày 31/3 này, chính phủ hiện tại ở Mỹ và Iran có thể chế ngự được sự chống đối và cản phá mọi thoả thuận từ phía Israel, phe Đảng Cộng hoà ở Mỹ và bộ phận bảo thủ nhưng rất uy quyền ở Iran. Nếu không đạt được thoả thuận ở lần đàm phán này, rất có thể 7 đối tác kể trên sẽ để mất thiên thời và bỏ lỡ cơ hội thuận lợi chưa từng thấy cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và xử lý toàn bộ các mối quan hệ của những nước này cùng với mọi đồng minh và đối tác của họ với Iran.
Vì thế, họ bây giờ không chỉ phải chạy đua với thời gian mà còn phải gắng gượng để lý trí không bị tình cảm lất át.
VietBF© Sưu tập