Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ráo riết chuẩn bị lễ duyệt binh lớn vào tháng Chín tới đây để khẳng định quyền kiểm soát quân đội cũng như gửi một thông điệp cứng rắn tới Nhật Bản.
Theo các nguồn tin của báo Japan Today, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh quy mô lớn sẽ diễn ra vào tháng Chín tới, trong đó lực lượng Quân giải phóng nhân dân (PLA) dự kiến sẽ "khoe" một sê-ri vũ khí mới do chính Trung Quốc chế tạo.
Sự kiện này là một phần chiến dịch phô diễn sức mạnh quân sự được phía Trung Quốc lên kế hoạch sẵn trong nhiệm kì Chủ tịch Tập Cận Bình, các nguồn tin này cho biết thêm.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tổ chức tối đa 4 cuộc duyệt binh tương tự trong những năm tới.
Khẳng định "quyền lực tối thượng" nội bộ
Theo Reuters, các cuộc duyệt binh quy mô lớn này nhằm khẳng định việc Chủ tịch Trung Quốc vẫn đang nắm toàn quyền kiểm soát quân đội, trong bối cảnh chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của ông đã và đang gây ra nhiều sóng gió trong hàng ngũ tướng lĩnh.
"Đả hổ đập ruồi" là chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỉ qua, đặc biệt là trong hàng ngũ quân đội.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trên Japan Today, nó cũng là một nước đi có phần mạo hiểm của ông Tập. Việc các tướng lĩnh cấp cao "ngã ngựa" đã và đang làm giảm nhuệ khí trong quân và có khả năng khiến ông mất kiểm soát quân đội.
Một ví dụ điển hình là Tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông Từ bị phát hiện đang giữ một lượng USD tiền mặt cực lớn cùng vô số đá quý tại nhà riêng, và đang bị điều tra với cáo buộc tham nhũng và mua quan bán chức.
Ông Từ không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều sĩ quan Trung Quốc cũng cho biết, nạn tham nhũng trong nội bộ PLA quá phổ biến và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức chiến đấu của quân đội nước này.
"Các lễ duyệt binh sắp tới sẽ giúp ông Tập khẳng định quyền kiểm soát quân đội cũng như tăng nhuệ khí trong quân", một nguồn tin thân cận với PLA phát biểu trên Japan Today.
Các lễ duyệt binh sắp tới sẽ là cơ hội để ông Tập khẳng định quyền kiểm soát quân đội cũng như tăng cường nhuệ khí trong quân. Ảnh: Tân Hoa Xã.
"Dằn mặt" Nhật Bản
Ngoài mục đích khẳng định quyền lực trong nước của ông Tập, các lễ duyệt binh này cũng nhằm "dằn mặt" một Nhật Bản cương quyết hơn dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, người đang cố gắng thay đổi chính sách quốc phòng mềm mỏng trong Hiến pháp nước này.
Trung Quốc và Nhật Bản đã có không ít lần "đấu đá" trong quá khứ, trong đó điển hình là quan điểm đối lập về vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937. Hiện tại, giữa hai nước vẫn đang xảy ra những tranh chấp xung quanh vấn đề chủ quyền biển đảo.
Trên danh nghĩa tổng tư lệnh quân đội, ông Tập sẽ phê duyệt các lễ duyệt binh sắp tới, trong sự chào đón của các chỉ huy PLA. Chùm sự kiện này dự kiến cũng sẽ được phát sóng trên khắp các kênh truyền hình Trung Quốc.
Nếu theo đúng kế hoạch, tần suất của các lễ duyệt binh này cũng dày đặc hơn hẳn so với Trung Quốc dưới thời các Chủ tịch trước đó.
Giang Trạch Dân (năm 1999) và Hồ Cẩm Đào (năm 2009) mỗi người chỉ tiến hành duy nhất một cuộc duyệt binh, và cả hai đều được tổ chức nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa (1/10/1949).
Dự kiến tổ chức vào ngày 3/9 tới tại Bắc Kinh, lễ duyệt binh này sẽ đánh dấu 70 năm ngày Thế chiến thứ hai khép lại. Đây cũng là lễ duyệt binh đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
thearealrtz ©VietSN