Sau khi nhiều tổ chức quốc tế phản đối việc cảnh sát Indonesia tiến hành các biện pháp thi tuyển lạc hậu, bao gồm kiểm tra trinh tiết, gây tổn thương và xâm hại nhân phẩm nữ giới, chính quyền Jakarta tuyên bố sẽ bãi bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết trong các đợt tuyển dụng nữ cán bộ công chức nhà nước, nhưng ngoại trừ ngành cảnh sát.
Bộ trưởng Bộ nội vụ, ông Tjahjo Kumolo tuyên bố những người thi tuyển nhân viên công chức sẽ sớm không phải trải qua thủ tục đáng sợ này.
Bộ trưởng cũng thông báo việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết ở Viện Hành chính - nơi dẫn đầu trong việc thi tuyển công chức, đồng thời xin lỗi tới những phụ nữ từng trải qua thủ tục kiểm tra sự trong trắng rồi bị loại mặc dù có năng lực làm việc, tờ Bangkok Post đưa tin.
Tuy nhiên, các nữ ứng viên thi tuyển cánh sát vẫn chưa thoát khỏi phần "kiểm tra hai ngón".
Đây là một thành công bước đầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), mở ra hy vọng một ngày nào đó chính phủ nước này sẽ ra tuyên bố bãi bỏ khâu kiểm tra trinh tiết trong lực lượng cảnh sát Indonesia.
Tháng trước, HRW đã phát động một cuộc phản đối gay gắt các nhà lập pháp Indonesia sau khi họ phỏng vấn một nhóm nữ cảnh sát từng trải qua khâu kiểm tra màng trinh đáng sợ.
Để trở thành nữ cảnh sát, các ứng viên phải có đủ các điều kiện bao gồm độ tuổi từ 17 tuổi rưỡi đến 22 tuổi, thuộc một tôn giáo, cao trên 1,65 m, không gặp vấn đề về mắt và vẫn còn là trinh nữ.
Theo một báo cáo của HRW, những nữ ứng viên chỉ biết phần "kiểm tra hai ngón" một thời gian ngắn trước khi nhân viên y tế khám thể chất.
"Tôi cảm thấy xấu hổ, lo lắng nhưng tôi không thể từ chối tham gia bởi đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn trở thành cảnh sát", Global Post dẫn lời một cô gái nói với HRW.
Một nữ ứng viên cho biết, họ phải cởi hết quần áo trước mặt khoảng 20 thí sinh khác trước khi nhân viên y tế đưa từng cặp đi vào một căn phòng không có cửa để kiểm tra trinh tiết bằng hai ngón tay. Hầu hết những người trải qua thủ tục kiểm tra màng trinh đều cảm thấy đau đớn và tổn thương.
"Hành động kiểm tra trinh tiết các tân nữ cảnh sát ở Indonesia là thực tế phân biệt đối xử và xâm hại nhân phẩm nữ giới", bà Nisha Varia, giám đốc quyền phụ nữ của HRW cho biết trong một tuyên bố.
Một phát ngôn viên cảnh sát xác nhận, các trạm thi tuyển vẫn duy trì khâu kiểm tra này nhưng không yêu cầu các ứng viên phải là trinh nữ.
"Các ứng viên, cả nam và nữ, đều phải trả qua một bài kiểm tra sức khỏe, bao gồm cả việc kiểm tra cơ quan sinh dục và trinh tiết. Tuy nhiên, những người không còn là trinh nữ vẫn có thể trở thành cảnh sát", ông này nói.
Nhà chức trách cho rằng cuộc kiểm tra trinh tiết nhằm đảm bảo rằng các tân cảnh sát đều khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây truyền hoặc ung thư cổ tử cung.
Zing