Theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng qua, mặc dù nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng một số mặt hàng thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn tăng cao.
Bằng chứng là, trong tháng 11 vừa qua, nhập khẩu điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ có mức tăng lần lượt là 4,8% và 4,1% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng nhập khẩu điện thoại di động tăng 11,5% và ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng tới 94,5%.
Đối với kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, một số mặt hàng như nông sản, nguyên liệu dược phẩm... có mức tăng khá lớn, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp vào thời điểm gần cuối năm tăng cao.
Nhập khẩu điện thoại di động và ô tô dưới 9 chỗ vẫn tăng mạnh.
Ảnh minh họa
Liên quan đến tình hình nhập khẩu của cả nước trong tháng 11 và 11 tháng qua, Bộ Công Thương cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 11 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng 10 và tăng 23,1% so với tháng 10 năm 2013.
Tính chung 11 tháng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 76,7 tỷ USD, tăng 12,5%, chiếm tỷ trọng 56,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 58,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Về thị trường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước, chiếm 81%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm 15,5%, các nước Đông Á chiếm 61.2%, riêng Trung Quốc chiếm gần 29,6% trong tổng KNNK của cả nước.
Riêng về tốc độ tăng, trong 11 tháng đầu năm nhập khẩu từ thị trường Châu Á tăng 12,4%, Châu Mỹ tăng 28,5%, trong đó Mỹ tăng 22,8%, Châu Phi tăng 8,3%, Châu Đại Dương tăng 27,2%. Kim ngạch nhập khẩu từ Châu Âu giảm 3,5%, trong đó nhập khẩu từ một số thị trường trong khu vực giảm mạnh so với cùng kỳ (trên 20,0%) như Ai Len, Malta, Latvia...
Đối với thị trường xuất khẩu, trong tháng 11 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,200 tỷ USD, giảm 6,2% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng năm 2014 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 16,5 tỷ USD).
Lý giải về việc kim ngạch xuất khẩu tháng 11 giảm so với tháng 10, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam thuộc nhóm nông lâm thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến tại một số thị trường Châu Á; EU 27, Hoa Kỳ, Châu Phi giảm.
Mặc dù vậy, việc kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2014 của cả nước tăng 13,7% so với cùng kỳ, đã cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, nhập siêu tháng 11 ước 300 triệu USD, bằng 0,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 11 tháng 2014, xuất siêu xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,5 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.
Yến Nhi