Những quốc gia nào kết giao đồng minh với Bắc Kinh cuối cùng trở nên bị lệ thuộc Trung Quốc, hoặc chí ít cũng hạn chế tự do của chính mình.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: CNN. |
Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 2/11 đưa tin, các hãng truyền thông lớn của Nga gần đây khi bình luận về quan hệ Nga - Trung đã cho rằng, Moscow không thể kết đồng minh với Bắc Kinh. Mặt khác nếu Nga thân Trung Quốc hơn nữa sẽ làm tăng rủi ro cho chính mình.
Dẫn phân tích của tờ Độc Lập - một tờ báo lớn của Nga, Đa Chiều cho biết, kết đồng minh với Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì cho Nga bởi những quốc gia nào kết giao đồng minh với Bắc Kinh cuối cùng trở nên bị lệ thuộc Trung Quốc, hoặc chí ít cũng hạn chế tự do của chính mình.
Theo tờ Độc Lập, nhiều người Nga cho rằng sau khủng hoảng Ukraine bùng phát, Trung Quốc đã trở thành nước hậu thuẫn vững chắc cho Nga, nhưng trên thực tế Bắc Kinh cũng chỉ giữ lập trường trung lập trong vấn đề Ukraine. Trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga với Georgia vài năm trước, Bắc Kinh chỉ khôn khéo bày tỏ "hiểu lập trường của Nga" nhưng từ chối thừa nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia được Nga hậu thuẫn.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc nhấn mạnh không nên trừng phạt Nga nhưng cũng chưa bao giờ chỉ trích chính quyền Kiev thân phương Tây. Ngược lại, Trung Quốc vẫn duy trì liên hệ mật thiết với phương Tây và tăng cường củng cố quan hệ với Hoa Kỳ.
Tờ Tin nhanh của Nga thì có bài xã luận cảnh báo, nếu Moscow ngả theo Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn, bao gồm cả sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Hai nước ký hợp đồng xây dựng tuyến đường ống khí đốt Liêu Đông trong khi Nga phải bỏ ra 55 tỉ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lúc doanh nghiệp Nga thiếu vốn trầm trọng. Mặt khác Trung Quốc từ chối trả trước 25 tỉ USD tiền mua khí đốt của Nga càng làm tăng áp lực cho Moscow.
Lúc này phương Tây đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow do khủng hoảng Ukraine nên việc doanh nghiệp Nga đi vay tiền thực hiện dự án ký với Trung Quốc là vô cùng gian nan. Một cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga đã nói rằng Trung Quốc đã kiếm được món hời lớn khi ký được với Nga hợp đồng này.
Tờ Russia Herald đăng bài bình luận của nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Valery Zubov cho rằng, nếu như tăng cường quan hệ Nga - Trung là hợp tác giữa các nước láng giềng là đáng hoan nghênh thì việc mưu cầu chuyển hướng địa chính trị sang châu Á mà chọn Trung Quốc là chọn đi vào ngõ cụt.
GDVN