Đối với phương Tây, về dài hạn thách thức lớn hơn không phải là những hành động của Nga tại Ukraine, mà là các biến đổi phi quân sự mạnh mẽ và kiên trì của Trung Quốc.
Kinh tế Nga đang lao dốc với nền kinh tế chỉ chiếm 3,4% GDP toàn cầu. Còn theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc có nền kinh tế đang tăng trưởng và hiện chiếm 16% GDP toàn cầu, gấp gần bốn lần nền kinh tế Nhật Bản và gần năm lần nền kinh tế Đức (tính theo cân bằng sức mua PPP).
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự hài lòng khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khi hậu, thể hiện quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có bước phát triển mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó chính quyền ông Tập đã đưa ra các kế hoạch về một chính sách đối ngoại rất khác biệt nhằm thay thế cơ chế quốc tế do Hoa Kỳ thiết lập sau 1945 với vai trò mới của Trung Quốc. Với chính sách này, chính trị quốc tế sẽ thay đổi sâu sắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong 25 năm tới.
Có nhiều báo cáo cho thấy trong những năm gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những lời nói khoa trương mang tính dân tộc chủ nghĩa, kêu gọi chống Hoa Kỳ. Đây là sự thật và những lời nói khoa trương này vẫn hiện hữu. Thậm chí trong nhiệm kỳ khá êm ả của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã xuất hiện cuốn sách "Giấc mơ Trung Hoa: Phong cách chiến lược và tư duy của cường quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ". Rõ ràng Trung Quốc đang muốn thay thế Hoa Kỳ, chiếm vị trí số 1 thế giới với ê kíp lãnh đạo khôn ngoan hơn.
Ảnh minh họa
Những lời nói kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều. Báo Christian Science Monitor cho biết, số các bài viết có nội dung chống Hoa Kỳ trên tờ Nhân dân nhật báo trong năm 2014 đã tăng gấp ba lần so với năm trước. Ngoài ra, Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch nhất quán, lâu dài nhưng không quá ồn ào nhằm đưa ra các phương án thay thế các cơ chế quốc tế hiện hành ở trong và ngoài khu vực châu Á. Đã có những nhân vật ở Bắc Kinh chủ trương muốn chuyển từ phương án chống-Hoa-Kỳ sang phương án hậu-Hoa-Kỳ.
Mùa Hè năm nay, Trung Quốc đã chủ trì ký kết một Thỏa thuận với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (nhóm BRICS) nhằm thiết lập một tổ chức tài chính thách thức với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào tháng Mười vừa qua, Bắc Kinh đã khai trương Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á với số vốn là 50 tỷ USD, một tổ chức tương tự như Ngân hàng Thế giới (WB). Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chi 40 tỷ USD để khôi phục các tuyến thương mại "con đường tơ lụa" trước kia nhằm phát triển khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình nói: "khi sức mạnh quốc gia của Trung Quốc phát triển, Trung Quốc sẽ có khả năng và sẵn sàng cung cấp nhiều hàng hóa công hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả Thế giới.
Trung Quốc sản xuất nhiều hơn "hàng hóa công" - một thuật ngữ chỉ các hàng hóa cần thiết và được mọi người hưởng thụ không mất tiền (như công viên hay không khí sạch) - sẽ là một bước tiến quan trọng. Nhưng dường như Bắc Kinh muốn cung cấp các hàng hóa này theo cách để thay thế cho cơ chế quốc tế hiện hành, chứ không phải tăng cường cho cơ chế này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực cương quyết loại trừ Hoa Kỳ ra khỏi tất cả các kế hoạch của mình. Trung Quốc đã toan đứng ra bảo trợ cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một diễn đàn không có sự tham dự của Hoa Kỳ.
Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, đây là một nhóm các biện pháp mơ hồ, chủ yếu do Bắc Kinh đề xuất với mục đích chính là không cho Hoa Kỳ tham gia. Tại đây, ông Tập đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh Châu Á, ông nói: "người dân châu Á sẽ giải quyết các vấn đề của châu Á... và bảo vệ an ninh của châu Á. Tuy nhiên, rõ ràng chỉ có một nước nằm ngoài châu Á (Hoa Kỳ) đóng một vai trò trung tâm trong việc bảo vệ an ninh cho khu vực".
Đối với TQ, việc tuân theo cơ chế quốc tế hiện hành đồng nghĩa làm mất đi các truyền thống lịch sử sâu sắc nhất của nước này. Trong cuốn sách mới đây "Trật tự Thế giới", cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cho rằng Trung Quốc không bao giờ chấp nhận ý tưởng về một thế giới với các quốc gia bình đẳng "về mặt lịch sử, Trung Quốc coi bản thân mình, theo một nghĩa nào đó, là chính phủ có chủ quyền duy nhất trên thế giới... Chính sách ngoại giao (của Trung Quốc - ND) không phải là một quá trình mặc cả giữa các lợi ích chủ quyền, mà là sự dàn xếp các nghi lễ được chuẩn bị chu đáo để các đối tác nước ngoài có cơ hội thể hiện địa vị vốn có của mình theo thứ bậc trên thế giới", thứ bậc mà Trung Quốc ngồi trên đỉnh.
Những nỗ lực của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây nhiều lo ngại, nhiều kế hoạch đã bị phản đối. Một kiểu chiến tranh lạnh mới ở châu Á sẽ xuất hiện nếu Trung Quốc sử dụng uy quyền đang lên của mình để yêu cầu các nước phải lựa chọn giữa các cơ chế quốc tế hiện hành hay các cơ chế mới. Do vậy, trật tự quốc tế chắc chắn sẽ bị xói mòn và phá vỡ, gây ảnh hưởng đến hòa bình và thịnh vượng ở châu Á ./.
Mai Linh (theo Washington Post)
Tác giả bài viết, Fareed Zakaria, cây bút bình luận của tờ Washington Post. Ông từng được Tạp chí Esquire bình chọn là "1 trong 21 người quan trọng nhất của thế kỷ XXI". Năm 2007, ông được chọn là 1 trong 100 nhà tri thức hàng đầu thế giới theo Tạp chí Foreign Policy và Prospect.