Những hình ảnh vệ tinh do hãng chuyên nghiên cứu quốc phòng Anh IHS Jane’s chụp đá Chữ Thập từ ngày 8/8 đến 14/11 cho thấy Trung Quốc đã bồi lấp bãi đá này thành nơi có thể xây dựng sân bay dài khoảng 3 km, rộng 200-300m.
Sân bay này đủ khả năng cho máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay vận tải quân sự Y-20 cất hạ cánh. Trung Quốc còn xây dựng một cảng mới đủ sức chứa tàu tiếp vận. Các chuyên gia quân sự tin rằng, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu xây dựng một căn cứ chiến lược tại đá Chữ Thập.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một căn cứ chiến lược tại Chữ Thập có thể làm đảo lộn thế cân bằng quyền lực tại khu vực tranh chấp ở biển Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Đặc biệt, đá Chữ Thập chỉ nằm cách cảng Cam Ranh của Việt Nam 460 km.
Nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải tạo, có thể mở rộng diện tích đá Chữ Thập rộng tới 30 km2. Mỹ vừa kêu gọi Trung Quốc “đóng băng” hoạt động cải tạo đảo mang tính khiêu khích ở biển Đông.
Bắc Kinh từ chối xác nhận việc xây đảo lớn nhất tại Trường Sa, nhưng lại ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc cần xây dựng các cơ sở tại biển Đông vì lý do chiến lược.
Giáo sư Ni Lexiong thuộc Đại học Thượng Hải nói rằng, các hoạt động cải tạo, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm phá vỡ thế cân bằng ở Trường Sa và mở rộng ảnh hưởng xuống biển Đông.
Một khi Trung Quốc thiết lập căn cứ thường trực vững chắc tại khu vực, các chiến lược của nước này sẽ trở lên khó lường hơn. Thậm chí, sẽ cho phép Bắc Kinh dùng sức mạnh chiếm giữ các đảo, đá do các nước khác kiểm soát. Xây đảo ở biển Đông còn có thể giúp Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ chiến lược “xoay trục” châu Á của Mỹ.
Want China Times
Tienphong