Hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng đều có một vài bình rượu thuốc trong nhà và có những bình được để rất lâu.
Những người không nên dùng rượu thuốc
Những trường hợp viêm gan, bệnh gút, viêm thận mãn, cao huyết áp… bệnh nhân không được dùng rượu cho dù có may mắn tìm được loại rượu thuốc an toàn về chất lượng.
Nên lựa chọn cẩn thận trước khi mua
Nếu đến bánh kẹo cũng cần chọn loại có gốc gác hẳn hoi thì càng phải cẩn trọng với rượu thuốc hơn nữa. Không nên vì những lời đồn mà mua sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, nên chọn thành phẩm được sản xuất bởi các công ty dược có uy tín lâu năm. Làm rượu qua dây chuyền công nghệ khép kín chắc chắn đảm bảo chất lượng hơn rượu cất theo qui trình không rõ ràng.
Nạn nhân đông hơn bệnh nhân
Số người ngộ độc vì rượu thuốc, nhất là trong các dịp hội hè, trong mấy ngày Tết là một thực tế cho thấy quá thừa rượu rởm từ thành phần cho đến chất phụ gia. Bên cạnh đó cũng không thiếu số người tuy dùng tiếng uống rượu thuốc nhưng không hề vì tác dụng nên thuốc của rượu mà vì… rượu.
Rượu thuốc, như tên gọi, phải được dùng với tri thức như dùng thuốc. Thậm chí, người dùng phải cẩn thận hơn nữa vì bên cạnh thuốc là rượu mạnh, không ai làm rượu thuốc với rượu vang.
Rượu thuốc nếu lạm dụng mà không viêm gan, không loét bao tử mới là chuyện lạ. Đó là chưa kể đến phản ứng phụ như tai nạn xe cộ do say xỉn vì rượu.
Thuốc nào cũng là dao hai lưỡi
Với rượu thuốc, cho dù có chế biến hoàn toàn đúng cách, lưỡi dao càng bén hơn nữa vì độ cồn của rượu. Thuốc nào cũng thế, muốn đừng thành thuốc độc một cách oan uổng phải được dùng đúng chỉ định. Quan trọng hơn nữa là không được dùng nếu chống chỉ định.
BS. Lương Lễ Hoàng
GDO