Để trở thành một su-mô, những võ sỹ phải tuân thủ một chế độ ăn uống và luyện tập rất khắc nghiệt. Ăn cho đến mức no và phải ói ra hay đổ máu trong lúc luyện tập vốn là chuyện thường thấy ở những lò luyện su-mô.
Chế độ ăn “khủng” để vỗ béo
Cũng giống như những võ sỹ samurai, ở đất nước Nhật Bản, những võ sỹ su-mô được người dân rất kính nể và trọng vọng. Tuy nhiên, để trở thành một võ sỹ su-mô không phải là việc dễ dàng và không phải ai cũng có thể làm được. Bởi, họ phải tuân thủ một chế độ ăn uống và luyện tập hết sức gian khổ từ khi còn là những cậu bé cho đến khi đặt chân lên sới đấu.
Hiện có khoảng hơn 54 lò luyện su-mô trên khắp Nhật Bản. Đứng đầu mỗi lò luyện là một võ sỹ su-mô đã giải nghệ. Những lò luyện này được Hiệp hội su-mô quản lý. Hiệp hội này cũng là cơ quan đưa ra quy định chi tiết và nghiêm ngặt về trang phục, hành vi ứng xử và thực đơn của những su-mô trên khắp cả nước.
Bỏ ăn sáng là một trong những bí quyết được các lò luyện áp dụng để giúp những võ sỹ nhanh chóng tăng cân. Hàng ngày, những võ sỹ phải dậy luyện tập từ lúc trời vẫn còn tờ mờ tối, khoảng 4-5 giờ sáng.
Việc nhịn ăn sáng không chỉ giúp những su-mô có thể vận động dễ dàng, mà nó còn kích thích việc ăn uống vào buổi trưa. Đến khoảng 8 giờ, những võ sỹ mới ra nhập lò võ, cũng là những người có vai vế thấp nhất trong lò võ sẽ ngừng tập và xuống bếp để chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong ngày. Trong khi đó, những võ sỹ khác vẫn tiếp tục luyện tập cho đến khoảng 10h30.
Bữa ăn của một võ sĩ su mô
Thực đơn cho một su-mô bao gồm rất nhiều loại thức ăn từ thịt bò, thịt lợn, gà, cá đến các loại hải sản, nấm được dùng cùng với cơm và rau. Tuy nhiên những loại thức ăn nhiều đạm như thịt và nấm vẫn chiếm đa số.
Tất cả những loại thức ăn trên sẽ được phục vụ và nấu thành một món ăn duy nhất đó là món lẩu. Những su-mô sẽ ăn món ăn này 2 lần mỗi ngày và trong suốt thời gian tập luyện cũng như thi đấu của mình. Đây có lẽ là món ăn tiện lợi nhất, vừa không mất nhiều thời gian nấu nướng lại đảm bảo tính nóng sốt cho 1 lượng thức ăn khổng lồ. Khoảng 2-3 su-mô sẽ dùng chung một nồi lẩu loại lớn dành cho 7-8 người. Vì nhịn ăn sáng, nên những su-mô có thể ăn khỏe gấp 5-10 lần bình thường.
Ước tính, một su-mô cần khoảng 10-20 ngàn calo mỗi ngày, gấp 5-10 lần nhu cầu năng lượng của một người trưởng thành. Thông thường, một su-mô ăn hết khoảng 10 bát cơm và 5 cân thịt trong 1 bữa. Cá biệt có những su-mô ăn khỏe đã dễ dàng xơi trọn 10 bát thịt hầm, 8 bát cơm, 130 miếng cơm cuộn rong biển, 25 miếng thịt bò nướng chỉ trong bữa trưa. Với những võ sỹ mới chân ướt chân ráo trở thành su-mô, việc ăn uống càng đóng vai trò quan trọng bởi vì họ cần phải tăng cân nhanh chóng để sớm có một thân hình bệ vệ. Họ chỉ ngừng ăn cho đến khi dạ dày không chịu nổi và bị nôn mửa vì quá no.
Trên sàn tập, chuyện đổ máu của võ sĩ su mô là thường tình.
Võ sinh ăn càng nhiều, những ông chủ lò võ càng mừng, bởi mục tiêu của họ là vỗ béo những võ sinh thành những su-mô có cân nặng ít nhất trên 200kg. Hiện tại, su-mô đang giữ kỷ lục về cân nặng ở Nhật Bản là 285kg, và có rất nhiều những võ sinh trẻ tuổi đang nuôi mơ ước phá vỡ kỷ lục này.
Không chỉ ăn, những võ sinh còn được khuyến khích uống nhiều, đặc biệt là uống bia vì bia chứa nhiều năng lượng và giúp tăng cân. Sau khi đã ăn uống no say, những võ sinh này được yêu cầu phải ngủ ngay lập tức. Một giấc ngủ kéo dài khoảng 3-4 tiếng là cách hữu hiệu giúp họ không bị mất năng lượng và chóng tích lũy được mỡ trong cơ thể. Sau khi ngủ dậy, những võ sinh này lại được tiếp tục vỗ béo bằng một bữa tối no nê vào khoảng 6h chiều và sau đó họ lại đi ngủ để chuẩn bị cho ngày luyện tập mới.
Đổ máu trong lúc luyện tập là chuyện thường ngày
Ngoài việc duy trì một chế độ ăn “khủng” để có một thân hình đồ sộ, những su-mô cũng phải luyện tập rất vất vả để có cơ bắp săn chắc và sức khỏe để đánh bại đô vật của những lò luyện khác. Việc luyện đa phần tập trung và nặng nhọc nhất vào buổi sáng. Một su-mô cho biết, với cường độ luyện tập nặng nhọc vào buổi sáng, anh có thể giảm đến 6kg thịt.
Đối với những võ sỹ mới vào lò, thời gian đầu tiên họ vẫn chưa được tập luyện mà phải lau mồ hôi và giặt quần áo cho những bậc “tiền bối”. Sau khi những võ sinh này được vỗ béo đạt cân nặng trên 100kg, đồng thời ngực và đùi nảy nở, xuất hiện ngấn mỡ thì cũng là lúc họ chính thức đuợc tham gia luyện tập.
Một bài tập của võ sĩ su mô.
Một trong những bài tập phổ biến của các võ sinh mới thường tập là xoạc chân. Những võ sinh ngồi và phải giữ cho 2 chân dang ngang, trong khi ép ngực chạm sát xuống đất. Bài tập này giúp rèn luyện chân và cơ bụng của các võ sinh, nhưng nó gây đau đớn vô cùng bởi với những đôi chân tròn lẳn thịt, việc giữ chân thẳng là một việc không hề dễ dàng.
Sau khi tập chân xong, những võ sỹ rèn luyện đôi tay bằng cách tập nâng những chiếc lốp xe ôtô nặng hơn 3 tạ và tập đấm vào những cột gỗ. Việc đổ máu trong lúc luyện tập đã trở thành chuyện thường đến nỗi những người huấn luyện su-mô cho biết trông những học trò của họ chẳng khác nào bước ra từ một vụ tai nạn xe ôtô.
Việc trừng phạt cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình huấn luyện và đào tạo những võ sỹ su-mô. Đối với những võ sỹ không luyện tập chăm chỉ, họ bị những võ sỹ có thứ bậc cao hơn mình trong lò võ trừng phạt. Hình thức trừng phạt có thể là đánh đấm bằng tay chân thông thường, đánh bằng cọc tre hoặc thậm chí là bằng những chiếc xẻng.
Một chủ lò luyện su-mô cho biết, việc đối xử nghiêm khắc và ra hình phạt với những võ sỹ nhằm giúp họ cố gắng nhiều hơn nữa trong luyện tập và thi đấu. Với những võ sỹ trẻ, những lò luyện này còn có ra một phương pháp huấn luyện đó là cho ăn những trận “mưa đòn”. Những võ sỹ này sẽ phải chịu những trận đánh bằng đòn bằng gậy gỗ hoặc gậy bóng chày bằng kim loại. Việc thường xuyên hứng chịu những trận đòn khắc nghiệt này được cho là cách hữu hiệu để làm quen với những chấn thương trong các giải đấu. Đồng thời, cách luyện tập này được cho là giúp những võ sỹ trở nên mạnh mẽ hơn.
Những võ sỹ su-mô đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những sới vật và họ thường “nghỉ hưu” ở độ tuổi 30-35.
Đa phần khi giải nghệ, những võ sỹ su-mô cũng mang theo mình không ít loại bệnh tật và chấn thương khác nhau. Trong số đó phổ biến nhất là những chấn thương ở vai, tay, chân và khớp. Chúng là hậu quả của những cuộc so tài trên sới vật. Ngoài ra, chế độ ăn uống khủng để vỗ béo với nhiều đạm và một cơ thể quá khổ cũng mang lại cho những võ sỹ nhiều loại bệnh tật liên quan đến tim mạch và huyết áp. Theo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của một võ sỹ su-mô chỉ là 65 tuổi, thấp hơn 10 tuổi so với tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật Bản.
Thu Huyền
PNTD