SACRAMENTO, Calif. --Tại Sacramento, và lúc 11:00 am ngày Chúa Nhật 5/1/2014 Cộng Đồng Người Việt tại Thủ phủ Sacramento, Hội Hải Quân đã phối hợp với nhiều hội đoàn tổ chức lễ Tưởng Niệm 40 Năm Hoàng sa bị Trung cộng cưỡng chiếm.
Hiện diện trong buổi lễ có đông quan khách, đồng hương và các hội đoàn Quân Đội. Trong số đó người ta ghi nhận có cựu Th. Tướng Hoàng Văn Lạc, cựu Th.T Nguyễn Văn Chức, cựu HQ Đại Tá Trần Thanh Điền, cựu Tr. Tá Đỗ Hữu Nhơn, và các hội đoàn: Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc California, Hội BĐQ Quân Bắc California, Hội ĐPQ&NQ Bắc Cali, Hội CSQG Bắc Cali, Hội HO/SF, Lực Lượng SQTB Thủ Đức, Biệt Hải, LLĐB, Ban Đại Diện CĐ Người Việt Quốc Gia Bắc Cali…v.v.
Buổi lễ Khai Mạc với lễ chào cờ long trọng do các chiến sĩ HQ/VNCH rước Quốc Quân Kỳ vào vị trí hành lễ. Lễ chào cờ HK và VNCH, phút mặc niệm và đặt vòng hoa trước đài Tưởng Niệm do các vị đại diện các hội đoàn quân đội và BTC có: ĐT Trần Thanh Điền, Cựu Th.T Huỳnh Văn Lạc, Ông Lê Đình Thọ LH/CQN, Ông Trương Thành Minh CĐNVQG…v.v
Sau phần chào mừng và cảm tạ. Một số quan khách phát biểu có: Ông Nguyễn Văn Em, HQ/Đại tá Trần Thanh Điền, LS Đỗ Thái Nhiên, Ông Nguyễn Hữu Hiến, Ông Phạm H. Huệ, GS Trần Gia Phụng…v.v.
Tưởng niệm Hoàng Sa.
Sau phần nghi lễ là văn nghệ và ăn trưa.
Tưởng cũng nên biết thêm, vào cuối tuần qua tại nhiều nơi trên thế giới, nơi có CĐVN đều có lễ tưởng niệm Hoàng Sa. Năm nay là đúng kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa (17/1/1974) giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với hải quân Trung Cộng. Các chiến sĩ Hải quân VNCH đã chiến đấu anh dũng, nhưng đã không thể bảo vệ được Hoàng Sa, và quần đảo này lọt vào tay Trung Cộng.
Vào những ngày tháng giêng của 40 năm về trước, Biển Đông đã dậy sóng trong một biến cố mà không một người Việt yêu nước nào có thể quên. Đó là trận hải chiến Hoàng Sa.
Một chút lịch sử:
Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo. Nhóm đảo mà Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền là nhóm Nguyệt Thiềm, Lưỡi Liềm (Crescent Group); và nhóm đảo Tuyên Đức hay nhóm Bắc đảo (Amphitrite Group). Dưới thời Việt Nam Cộng hòa đã có đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến.
Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm (Woody Island) và đảo Linh Côn.
Năm 1958, Trung Cộng cho công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm về việc mở rộng vùng lãnh hải lên 12 hải lý, tuyên bố chủ quyền của họ đối với các quần đảo phạm vi 12 lãnh hải tương ứng với các đảo này, bao gồm Trường Sa, Đài Loan, Hoàng Sa, Trung Sa …
Ngày 22/ 9/ 1958, báo Nhân Dân Trung Cộng đăng công hàm của Thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Cộng, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Cộng quyết định về hải phận của Trung Cộng.
Tưởng niệm Hoàng Sa.
Năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc lệnh tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng hòa.
Trong thời gian 1964-1970, Hải quân TC và Hải quân Việt Nam Cộng hòa chạm súng nhiều lần trên hải phận Hoàng Sa. Trong lúc đó Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập một sân bay tại đảo Hoàng Sa.
Năm 1971, Hải quân TC và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa.
Năm 1973, với Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và Hạm đội 7 rút quân và thiết bị của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao Trung Cộng ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của họ và tố cáo Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa ra tuyên bố khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và bác bỏ những cáo buộc của Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou để chuyển quân nhanh ra nhóm Nguyệt Thiềm. Ngày 16/1/1974, khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường nói trên thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc, và giao tranh xảy ra sau đó. Ngày 19/1/1974 Hoàng sa bị mất vào tay Trung Cộng.
VB